>> PBoC bật tín hiệu bảo vệ đồng Nhân dân tệ

Đến nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua Liên minh châu Âu và Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Do vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang có kế hoạch thúc đẩy giao dịch trực tiếp với các loại tiền tệ trong khu vực này, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế nước ngoài phát triển thị trường ngoại hối Nhân dân tệ.

PBoC sẽ tìm hiểu khả năng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ với các nước thành viên ASEAN và các nước láng giềng của Trung Quốc

PBoC sẽ tìm hiểu khả năng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ với các nước thành viên ASEAN và các nước láng giềng của Trung Quốc

Theo SCMP, Ngân hàng trung ương nước này tuyên bố, Trung Quốc sẽ chú trọng đến các khoản thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ với các nước láng giềng và phát triển các trung tâm tại nước ngoài, như những bước tiếp theo để thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng tiền Trung Quốc trên thế giới. Đánh giá thực tế từ PBoC được đưa ra, khi sự chấp nhận thanh toán quốc tế bằng đồng Nhân dân tệ vẫn còn quá nhỏ để thách thức quyền bá chủ của đô la Mỹ.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay, vốn đã nâng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất kể từ năm 2008, gây áp lực mạnh mẽ lên Trung Quốc về dòng vốn chảy ra, sau khi tiếp tục nới rộng khoảng cách chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

PBoC khẳng định: “Quốc tế hóa tiền tệ là một quá trình lâu dài. Dựa trên các nguyên tắc tôn trọng thị trường, đáp ứng nhu cầu và rủi ro dần dần được kiểm soát, chúng tôi sẽ tập trung vào việc nâng cao sự tiện lợi của đồng Nhân dân tệ trong thương mại cũng như đầu tư xuyên biên giới, đồng thời thúc đẩy toàn cầu hóa đồng tiền này một cách thận trọng”.

Cùng với đó, PBoC sẽ tìm hiểu khả năng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ với các nước thành viên ASEAN và các nước láng giềng của Trung Quốc, bằng việc lên kế hoạch thúc đẩy giao dịch trực tiếp đồng Nhân dân tệ với các đồng tiền khác, song song với hỗ trợ các nền kinh tế nước ngoài phát triển thị trường ngoại hối Nhân dân tệ.

Đến nay, ASEAN đã vượt qua Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và được coi là khu vực có nhiều khả năng nhất mà Nhân dân tệ có thể trở thành một đồng tiền neo.

Ngân hàng trung ương nước này còn cam kết tăng tính thanh khoản cho đồng Nhân dân tệ và thiết kế các sản phẩm bằng đồng tiền này ở Hồng Kông hay các thị trường nước ngoài khác. Theo báo cáo thường niên của PBoC được công bố vào tháng trước, tiền gửi Nhân dân tệ tại các thị trường lớn ở nước ngoài gồm Hồng Kông, Singapore và London - hiện lên tới gần 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ (210 tỷ USD).

>> Nhân dân tệ khó vượt qua thách thức bởi đô la Mỹ

Thực tế từ năm 2009, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đầy tham vọng của mình với các thỏa thuận thương mại, mở rộng hơn nữa sang đầu tư ra nước ngoài thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đến nay, sau nhiều nỗ lực, kế hoạch này của Trung Quốc dường như vẫn chưa thành công, do đó, PBoC cho biết, họ sẽ tiếp tục đơn giản hóa quy trình để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào thị trường Trung Quốc và làm phong phú thêm phạm vi tài sản có sẵn để đầu tư, nới lỏng việc phân bổ và nắm giữ tài sản bằng đồng Nhân dân tệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Tính đến cuối tháng 8/2022, quy mô của các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, khoản vay và tiền gửi do các tổ chức nước ngoài nắm giữ trên thị trường tài chính Trung Quốc là gần 10.000 tỷ Nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD).

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital nhận xét: “Đồng Nhân dân tệ chắc chắn đã được quốc tế hóa nhiều hơn so với 5 - 10 năm trước. Nhưng nếu so sánh với đô la Mỹ, nó chắc chắn vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đó là điều chỉ có thể được thực hiện từng bước".

Trong bối cảnh bất ổn chính trị, kinh tế leo tháng, đồng tiền của Trung Quốc được cho là đã kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, do áp lực giảm giá và sự suy thoái kinh tế trong nước.

Chuyên gia kinh tế tại Macquarie Capital cũng nói thêm, với việc Mỹ tăng lãi suất, mọi người sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách tiết kiệm bằng USD hơn là bằng Nhân dân tệ. Do dòng vốn chảy ra lớn và sự tăng lãi suất tích cực của Fed, đồng Nhân dân tệ đã suy yếu hơn 10% so với USD trong năm nay và chạm vào mức nhạy cảm 7 CNY/USD.

“Nếu các biện pháp kiểm soát vốn có thể được giải quyết, rất nhiều Nhân dân tệ ở nước ngoài có thể được tái đầu tư trở lại thị trường tài chính Trung Quốc và khi đó phạm vi quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sẽ lớn hơn nhiều so với hiện tại” ông nói.

Trong một báo cáo thường niên được công bố vào tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết chỉ số quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ tính đến cuối tháng 3 là 2,86 so với mức 58,13 đối với đô la Mỹ và 21,56 đối với euro.

Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 2,88% dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý 2/2022 so với 59,53% của đô la Mỹ. Tuy nhiên, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đánh giá, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ về giá trị thanh toán toàn cầu đã tăng lên 2,31% trong tháng 8 từ 2,15% một năm trước đó, nhưng vẫn thua xa 42,6% so với đô la Mỹ.