Hiệu ứng tiêu cực

Cơn bão các quy định siết chặt một số lĩnh vực đã quét qua nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian vừa qua, làm dấy lên lo ngại về quy mô can thiệp của Chính phủ nước này vào các thị trường trọng điểm. Trong khi một số nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu những thay đổi đó, có đủ để thúc đẩy việc đổi mới và đảm bảo tăng trưởng chất lượng nền kinh tế, thì bối cảnh môi trường bên ngoài lại ngày càng thách thức.

Nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ đã tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc trước làn sóng quy định của Chính phủ lên lĩnh vực công nghệ và giáo dục (ảnh: Internet)

Nhiều nhà đầu tư lớn tại Mỹ đã tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc trước làn sóng quy định của Chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ và giáo dục (ảnh: Internet)

Theo đó, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các quy định mới cho các công ty công nghệ, giáo dục tư nhân và những doanh nghiệp ở nước ngoài, tạo ra sự công phá thị trường toàn cầu và gây ra thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Điển hình là cuộc tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc của các nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn tại Mỹ, như George Soros và quỹ ARK Investments của Cathie Wood,... Trước đó, nhiều quỹ đầu cơ đã bán phá giá cổ phiếu của Trung Quốc trước khi đợt bán tháo xảy ra. Sự biến động này đã đánh bật hầu hết các công ty Big Tech ra khỏi bảng xếp hạng những công ty lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường.

Về vấn đề này, Chính phủ đã viện dẫn những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, an ninh quốc gia và ảnh hưởng ngày càng tăng của lĩnh vực công nghệ đối với xã hội, nên cần giám sát chặt chẽ hơn.

Chia sẻ với giới truyền thông, Larry Brainard, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại công ty tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô TS Lombard cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một điểm uốn trong môi trường kinh tế Trung Quốc, tương tự như cuộc cải cách và mở cửa kinh tế của nước này cách đây gần 30 năm”.

Mặc dù các quy định mới của Bắc Kinh nhằm chống độc quyền, chống lại những gã khổng lồ kỹ thuật số giúp tạo ra môi trường cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng, nhưng cũng không ít lo ngại rằng, việc kiểm soát chặt chẽ sẽ gây hại cho nền kinh tế đang ngày càng phát triển theo xu hướng công nghệ. Hậu quả về kinh tế vĩ mô của những hành động này rất khó lường. Nếu sự kiểm soát của Nhà nước đối với một lĩnh vực trở nên quá độc đoán, hoặc quá khó lường, nó chắc chắn có khả năng gây tổn hại đến tính năng động của các doanh nhân và niềm tin của nhà đầu tư.

Niềm tin mong manh

Theo đánh giá của George Magnus, Nhà nghiên cứu tại Đại học SOAS (Vương quốc Anh) cho biết trên tờ South China Morning Post, nền kinh tế Trung Quốc được định hình bởi sự pha trộn giữa doanh nghiệp tư nhân và sự can thiệp của nhà nước, mà các nhà kinh tế gọi là chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ về khả năng làm chủ công nghệ, Bắc Kinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính tự lập (ảnh: Internet)

Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ về khả năng làm chủ công nghệ, Bắc Kinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính tự lập (ảnh: Internet)

Nhưng không giống như nền kinh tế của Liên Xô cũ, Trung Quốc có khu vực tư nhân lớn hơn nhiều, chiếm hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và hơn 80% việc làm. Điều khác biệt với Trung Quốc là chính trị hóa công khai vai trò của Đảng trong nền kinh tế và xã hội, điều này rất quan trọng khi chúng ta nghĩ về quản trị, khuyến khích quy định của pháp luật và những thứ thúc đẩy thương mại, tinh thần kinh doanh và đổi mới, George Magnus phân tích.

Đồng thời, vị chuyên gia cũng dự báo, hành động này của Chính phủ Trung Quốc có thể phản tác dụng, làm chậm sự đổi mới và thay đổi trong các lĩnh vực như bán lẻ, bán buôn, vận chuyển và phân phối, nơi có cơ hội tăng cao năng suất. Trong khi Trung Quốc cần sự tăng trưởng về năng suất hơn bất cứ thứ gì.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ về khả năng làm chủ công nghệ, Bắc Kinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính tự lập. Nhưng hiệu quả của việc chỉ dựa vào chiến lược do nhà nước định hướng, để đạt được ưu thế về công nghệ vẫn còn nhiều nghi vấn.

Cùng quan điểm đó, Luo Zhiheng, nhà phân tích kinh tế vĩ mô tại viện nghiên cứu Yuekai Securities cho rằng, rủi ro lớn của cơn bão quy định vừa qua là thiếu cải cách trên thị trường vốn trong nước, điều có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Hiện cần thiết lập một hệ thống thông suốt cho sự trở lại của các công ty niêm yết ở nước ngoài, để phối hợp thúc đẩy mở cửa tài chính và an ninh tài chính, duy trì điểm mấu chốt của việc ngăn ngừa rủi ro tài chính, cũng như tăng cường khả năng của khu vực tài chính phục vụ như cầu thực tế”, nhà phân tích khuyến nghị.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cùng chung nhận định rằng, phần lớn triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng của Chính phủ trong việc giảm nợ công, cải thiện năng suất và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra. Nhưng những thay đổi này sẽ đòi hỏi cải cách chính trị đáng kể, cần kết hợp giữa kinh tế thị trường với nền kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm, thay vì những cú “phanh tay” sắc bén hiện nay.