>> Tư duy lãnh đạo có vai trò quyết định thúc đẩy bình đẳng

Tư duy nói chung là thiên tính mà ai cũng có, cũng cần, nhất là thời đại VUCA. Tư duy lãnh đạo có hình hài thế nào? Làm gì để có tư duy này?

Nhắc đến triết học không khỏi khiến người nghe rùng mình, người học lãnh cảm. Cũng đúng thôi, bởi vì những gì triết học bàn đến những điều quá xa vời với nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Ví như nói về tư duy chẳng hạn.

Có hai bậc tư duy cơ bản, tư duy cảm tính và tư duy trừu tượng gắn liền với hai cấp độ nhận thức cảm tính và lý tính. Cảm tính là quá trình thâu nhận thông tin ban đầu; lý tính là kết quả chế biến, chắt lọc thông tin ấy.

Ví dụ, nhìn thấy trời mưa - về cảm tính thấy đường bị lầy; nhưng chứng kiến sự kiện này lâu dài, người nông dân Việt Nam rút ra nhận thức lý tính “mưa tháng ba hoa đất, mưa tháng tư hư đất”. Suy đến cùng, triết học lại trở nên gần gũi như thế đấy!

Tuy nhiên, có thể mất nhiều thời gian để rút ra câu tục ngữ như trên, cũng không phải khi nào nhìn thấy hiện tượng ngay lập tức lẫy ra được bản chất. Vì sao lâu?

Vì thông tin trời mưa cần được chế biến, đào luyện bằng biện pháp so sánh, quan sát, phân tích, tổng hợp,… một cách tự nhiên. Ngặt nỗi tính chất thời đại không cho phép con người tư duy chậm rãi như vậy. Mất cơ hội hoặc không tránh được nguy cơ.

Vấn đề ở đây là: Cần làm gì để chúng ta có thể rút ra tri thức lý luận một cách nhanh nhất. Dĩ nhiên cần có đào tạo, trang bị tri thức nền tảng, trong triết học có bộ công cụ này.

Vì triết học có khả năng phơi bày nguyên “nhân - kết quả”, “bản chất - hiện tượng”, “cái riêng - cái chung”,…của sự vật hiện tượng; có khả năng phát hiện động lực phát triển; cách thức phát triển và khuynh hướng phát triển của sự vật sự viêc.

Mục đích lớn nhất của nhân viên đi làm là nhận lương. Còn lãnh đạo, quản lý phải nghĩ cách tạo ra lương, duy trì bộ máy. Nhiệm vụ khó hơn nên cần suy nghĩ khác hơn. Lãnh đạo phải là người đầu tiên nhìn thấy cơ hội, hoặc khó khăn.

Muốn có con “mắt thần” thì phải có tri thức nền, nắm được quy luật vận động của ngành nghề, nhạy bén với mọi diễn biến liên quan - chất liệu này giúp lãnh đạo có khả năng tiên đoán, dự báo - triết học - chứ không phải hên xui.

Một trong những kỹ năng hàng đầu của lãnh đạo là khả năng “nói” thao thao bất tuyệt về vấn đề nào đó. Thật ra là họ được hỗ trợ bởi sợi dây biện chứng, chính là khả năng xâu chuỗi, liên kết nhiều khối dữ liệu liên quan của nhiều lĩnh vực khác nhau.

Khi đạt đến tầm tư duy logic - nói như Lão Tử, lãnh đạo là “vô vi - không làm gì cả, mà không gì không làm”. Nghĩa là không làm việc cụ thể, tiểu tiết mà tác động vào quy luật vận động của công việc cơ quan - là người lái xe chứ không phải cái bánh xe.