>> Tiến sĩ kinh tế của Đại học Harvard mách 6 mẹo quản lý tài chính

Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế đang dần phục hồi, tuy nhiên đây cũng là lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực. Để giải quyết “nỗi đau” thiếu lao động của các doanh nghiệp, nhiều doanh nhân, chuyên gia cho rằng cần phải “nâng cấp” tư duy của người lãnh đạo khi quản trị doanh nghiệp.

Đây là nội dung được chia sẻ tại tọa đàm “Lãnh đạo tạo kiệt tác - giải pháp thu hút và bảo vệ nguồn lực” được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội kết nối giao thương lần thứ 22 của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam (VEC) vừa diễn ra tại TP.HCM.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và "lèo lái" doanh nghiệp hơn 20 năm, bà Hoàng Thu Hiền - Tổng giám đốc ThuHienCo, Trưởng Ban Ngoại giao VEC cho biết, từ những ngày đầu lập nghiệp, bà đã sử dụng uy tín của mình để xoay xở dòng vốn. “Bên cạnh đó, tôi đào tạo cho nhân viên tất cả kinh nghiệm, nghiệp vụ của công ty. Khi nhân viên giỏi, họ làm đúng, mình không mất thời gian kiểm tra lại còn nếu không hướng dẫn họ, chỉ giữ kinh nghiệm cho bản thân thì suốt ngày họ làm sai, mình phải kiểm tra họ cũng khổ. Đó là lý do tại sao có những nhân viên gắn bó, làm việc ở công ty đến 20 năm”.

>> Bài học quản trị nhân sự: Kiến và Sư tử

>> Kiến tạo giá trị và gắn kết khách hàng trong thời đại số

Ông Bùi Văn Quyền - nguyên Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: “Chúng ta phải đặt nền tảng vững chắc về kiến thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ xây dựng phương án, tầm nhìn của xã hội, phân khúc thị trường và điều cuối cùng hết sức quan trọng đó là con người. Con người có năng lực, trình độ, hiểu biết. Làm thế nào, các doanh nhân chia sẻ với nhau câu chuyện về đạo đức, văn hóa kinh doanh, để giữ chân người lao động. Tôi cho rằng tầm nhìn chúng ta phải hướng tới đó là tư duy ta sinh ra làm chủ, hai là đào tạo để tiến xa vững vàng”.

Tài thao lược của chủ doanh nghiệp là một trong những chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết: “Bây giờ nhu cầu của người tiêu dùng, đầu vào đầu ra đều khác hết, kể cả các phương tiện, yêu cầu cũng khác. Do đó, các doanh nghiệp muốn sống được sau Covid-19 phải tái cấu trúc. Nhưng có nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc không được là do người lãnh đạo. Các doanh nghiệp hỏi tại sao chuyển đổi số khó quá, nếu giám đốc công ty không muốn đổi thì làm sao đổi? Do đó, doanh nghiệp đi đâu, làm gì, có thành công hay không trên 60% là do người lãnh đạo quyết định. Vai trò của các giám đốc rất quan trọng trong thời điểm này về việc tái cấu trúc, chuyển đổi số, xây dựng lại phong cách hoạt động cho phù hợp thời đại hiện nay, quản lý doanh nghiệp theo công nghệ (từ marketing đến chăm sóc khách hàng)”.

Còn bà Nguyễn Thị Hiếu - Trưởng Ban Pháp lý VEC cho rằng, làm bất cứ nghề nghiệp nào cũng nên có đạo đức nghề nghiệp. “Cái tâm là vô cùng quan trọng với chủ doanh nghiệp hay người trực tiếp sản xuất kinh doanh hàng hóa. Vì vậy để làm trong sạch môi trường kinh doanh cần nói không với hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng”.

Đặc biệt, ông Nguyễn Công Bình - Chủ tịch Tập đoàn Táo Kim Cương DA.Group, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập DCI Việt Nam, Trưởng Ban Kết nối doanh nghiệp VEC đã tạo ấn tượng mạnh với các doanh nhân tham dự chương trình khi khắc họa chân dung nhà lãnh đạo 5.0 theo định hướng tư duy mới với triết lý “Give what you want - Trao đi điều bạn muốn”. Ngoài ra, Chủ tịch DA.Group còn chia sẻ cách xây dựng mô hình doanh nghiệp theo cơ chế vốn và cơ chế gieo hạt như Công ty CP DCI Việt Nam đã và đang thực hiện để đạt được thành công.

Những thông tin chia sẻ tại tọa đàm đã giúp hàng trăm doanh nghiệp tham dự học hỏi thêm những bí quyết, cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam càng phát triển và vững mạnh. Như lời ông Hà Ngọc Anh - nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương; Trưởng Ban Cố vấn VEC: “Những ngày hội như thế này là dịp để chúng ta cùng tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi nhằm đẩy mạnh hơn nữa, làm sao trong thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không những làm tốt trong nước, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân mà còn vươn tầm thế giới”.

Trong khuôn khổ chương trình, VEC cũng ra mắt Ban Pháp lý, Ban Xúc tiến thương mại và Ban Sức khỏe để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.