>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Phát triển năng lượng tái tạo, tư duy và hành động trong bối cảnh mới" 

Để góp ý cho lộ trình phát triển thị trường năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện mục tiêu giảm phát thải, tiếp nối thành công của Diễn đàn Năng lượng tái tạo năm 2021, được sự phối hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục phối hợp triển khai tổ chức chương trình Diễn đàn Năng lượng tái tạo năm 2022 với chủ đề: “PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TẠI VIỆT NAM: TƯ DUY VÀ HÀNH ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI”. Đồng thời, trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: “DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TIÊU BIỂU VIỆT NAM NĂM 2022”, vào ngày 06/01/2023.

F

Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới” và Trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: “Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 6/1/2023.

Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả, cơ quan quản lý, nhà đầu tư đã cùng nhau thảo luận về chủ đề “Tư duy và hành động phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh mới”. Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối phiên thảo luận. 

Phát biểu tại phiên thảo luận, PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện KHCN Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng và PT công nghệ Năng lượng cho biết: Thị trường năng lượng tái tạo trong 2022 gặp một số khó khăn nhưng cũng không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực. Một trong 10 sự kiện nổi bật của năm 2022 của Tạp chí Năng lượng vừa phát hành cho thấy, lần đầu tiên, sản lượng điện năng lượng tái tạo của Việt Nam vượt sản lượng nhiệt điện.

PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện KHCN Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng và PT công nghệ Năng lượng

PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện KHCN Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng và PT công nghệ Năng lượng.

Cụ thể: Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 đạt 268,4 tỷ kWh, trong đó sản lượng thủy điện tăng 20,8% so với năm 2021 do nước về hồ tốt và việc huy động phát điện phù hợp với quy chế điều hành liên hồ; các nhà máy điện gió, mặt trời đi vào hoạt động ổn định; giá than cao nên EVN điều hành giảm mua điện than. Nhờ đó, sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) đã vượt sản lượng nhiệt điện trong năm 2022.

Bên cạnh đó, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt trên 129,8 tỷ kWh, bằng 1,24 lần so với sản lượng điện than và trên 96% so với tổng sản lượng điện than và điện khí. Sản lượng điện mặt trời và gió chiếm 12,8% tổng hệ thống.

Năm 2022 cũng ghi nhận lần đầu tiên điện năng do các nguồn phát điện ngoài EVN vượt 50% sản lượng toàn hệ thống, các nhà máy điện ngoài EVN đã đóng góp hơn 53% sản lượng điện trong năm.

Và như các chuyên gia có nói, chúng ta cần hoàn thiện quy hoạch điện 8 để tạo điều kiện phát triển cho thị trường. Nhà đầu tư rất cần các chính sách cụ thể liên quan tới cơ chế giá điện, đầu tư đấu thầu ra sao, hay như chúng ta hay nói tới cơ hội cho điện gió ngoài khơi nhưng lại chưa có một quy hoạch ngành biển cụ thể để phát triển. Cơ chế tài chính, giá FIT cũng chưa làm yên tâm cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn các khó khăn về kỹ thuật đi kèm, các cơ chế về truyền tải…

Các diễn giả cũng đưa ra kịch bản cụ thể và đề xuất những giải pháp phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo. Đây là những cơ sở để thảo luận để đưa ra được tư duy và hành động trong giai đoạn phát triển mới.

>> NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hiện tại đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt, trong đó quy hoạch Điện lực được Bộ Công Thương đã triển khai nhiều lần.

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng

Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng

Đối với ngành năng lượng và điện lực Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn như COVID-19, đến khủng hoảng về năng lượng trên thế giới, tranh chấp và những cam kết của các đất nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính...

Vì các lý do như vậy nên các phiên bản khác nhau của Quy hoạch điện VIII liên tục được điều chỉnh, cập nhật và cũng là để phản ánh định hướng chính sách mới nhất của đất nước trong tiến trình phát triển điện lực cũng như năng lượng trong thời gian tới.

Cụ thể trong chiến lược chống biến đổi khí hậu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 8/2022. Đồng thời, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thực hiện tính toán để có được con số định lượng, đạt đến net zero. Các nhóm chuyên gia cũng có tương tác, trao đổi trực tiếp nên bản thiết kế của cả quy hoạch tổng thể năng lượng và quy hoạch phát triển điện lực đều bám sát theo chiến lược biến đổi khí hậu.

Định hướng ngành điện sẽ phát thải CO2 đạt đỉnh vào năm 2035 với con số phát thải cỡ 235 triệu tấn CO2 và giảm dần đến 2050, thì riêng ngành điện chỉ còn khoảng 30-35 triệu tấn CO2 trong tổng số 101 triệu tấn của ngành năng lượng được phép vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, có rất nhiều định hướng kỳ vọng liên quan đến phát triển năng lượng phụ thuộc vào tương lai, với bức tranh tổng thể rộng như vậy, chúng ta cũng phải mạnh dạn đưa dưa sử dụng các công nghệ mới, hydro xanh...

“Liên quan đến phát thải, chúng tôi khẳng định hai bản quy hoạch đã được thiết kế tương ứng với chiến lược chống biến đổi khí hậu, còn với năng lượng tái tạo hiện tại cách đây một năm, tỷ trọng năng lượng tái tạo bao gồm gió và mặt trời trong tổng công suất lắp khoảng 27% là cực kỳ lớn nếu so với nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước đã phát triển vẫn tiếp tục yêu cầu chúng ta phải tăng nữa năng lượng tái tạo và giảm điện than, nhưng ở nhiều nước tỷ trọng này chỉ khoảng 10-15%.

Với tỷ trọng lớn như vậy, tôi cho rằng việc tăng số giờ vận hành của số giờ năng lượng tái tạo, giảm điện than đã chứng tỏ nỗ lực rất lớn của EVN với tỷ trọng thâm nhập quá cao của năng lượng tái tạo. Nhưng có một thực tế là thời điểm vừa qua, do khủng hoảng về năng lượng toàn cầu nên giá nhiên liệu than và khí rất cao, dẫn đến việc dùng năng lượng tái tạo kinh tế hơn. Trong thời gian tới, giá cả ổn định trở lại, sẽ làm cho tính kinh tế của hệ thống giảm đi thì chúng ta cần phải chờ đợi trong một vài năm tới để thấy bức tranh rõ hơn”, ông Dương phân tích.

>> NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Tập trung hoàn thiện quy hoạch điện quốc gia

Cũng theo ông Dương, về Quy hoạch điện VIII, dự kiến tỷ trọng điện năng lượng tái tạo đến năm 2030 sẽ duy trì trên 20%, nhưng với tỷ trọng điện mặt trời đã quá lớn thì “room” cho phát triển điện tái tạo sẽ chủ yếu tập trung vào điện gió.

Ngoài ra có một số nguồn khác như điện sinh khối sẽ tăng và một vài nguồn điện năng lượng tái tạo khác đến năm 2030; với tỷ trọng như vậy, điện năng lượng tái tạo vẫn đảm bảo trên 20% là tỷ trọng rất đáng kể trong hệ thống. Điều đó cũng đảm bảo tính kinh tế của hệ thống vì năng lượng tái tạo không chỉ là chi phí sản xuất điện gió, điện mặt trời, không chỉ là chi phí tại nhà máy sản xuất, tại điểm đấu nối mà còn là chi phí đến sử dụng cuối cùng.

“Do yêu cầu của luật hiện nay, sẽ không có danh mục dự án cụ thể được chỉ ra trong danh sách phê duyệt quy hoạch. Dự kiến Bộ Công Thương cũng trình quy hoạch theo vùng, chia làm 6 vùng và chia theo giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm trên cơ sở lượng công suất yêu cầu cần thêm ở vùng đó. Với đề xuất của Bộ Công Thương là sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, sẽ cần thiết phải tiến hành lập bảng kế hoạch thực hiện, phân bổ chi tiết tại những vùng như vậy, vào năm cụ thể sẽ cần lượng công suất bao nhiêu MW điện mặt trời hay điện gió ở khu vực nào...

Đồng thời dựa trên cơ sở tính cạnh tranh vùng miền đáp ứng tiêu chí cố gắng cân bằng nguồn tải nội vùng. Điều đó dẫn đến những dự án chuyển tiếp, không phải ngẫu nhiên các dự án được ngồi vào đàm phán với EVN, nếu dự án không chứng minh được dự án đó hiệu quả hơn dự án bên cạnh và chi phí giá điện cạnh tranh, thì chưa chắc đã được mời vào đàm phán. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là cần dựa trên chi phí sử dụng điện, giá điện cạnh tranh nằm ở những khu vực phù hợp”, ông Dương giải thích.

Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT công ty IQLinks, Giám đốc công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam

Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT công ty IQLinks, Giám đốc công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam

Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT công ty IQLinks, Giám đốc công ty CP ĐMT Sunseap Link Việt Nam cho biết,  theo báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt 27% nhưng vẫn còn một số dự án năng lượng tái tạo chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào các dự án năng lượng tái tạo nhưng chưa khai thác vẫn đang phải chịu lãi suất ngân hàng hoặc chưa thể thu hồi vốn. 

Ngày 20/12/2022, Bộ Công Thương có báo cáo trình Chính phủ, trong đó có đưa ra giải pháp: cho phép thí điểm cho 1000 MW được bán điện trực tiếp. Đây là giải pháp tốt, theo thông lệ của thế giới nhưng giải pháp này hiện mới dừng ở đề xuất. 

Chưa kể, hệ thống lưới điện của chúng ta hiện nay đang quá tải ở một số khu vực nên có dự án năng lượng tái tạo không thể đấu nối được vào đường truyền. Mấu chốt để phát triển năng lượng tái tạo là trạm điện và đường truyền tải.

Do đó, cần có giải pháp để “khơi thông” điểm nghẽn này, trong đó ông Nguyễn Hoài Bắc đề xuất xem xét xã hội hoá đường truyền, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân xây dựng và phát triển đường truyền tải điện.

Ông Nguyễn Hoài Bắc cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, xem xét việc xác định giá điện cơ sở để đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án năng lượng tái tạo để hướng đến mục tiêu năm 2050 có năng lượng xanh, sạch để sử dụng. 

Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận cho biết, Việt Nam vẫn luôn mời gọi đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo trong suốt thời gian qua, kết quả, không ít “đại bàng” đã đến để làm tổ, tuy nhiên, ở lại được hay không còn phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường đầu tư hiện tại. 

Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận

Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận.

Thực tế, công tác quy hoạch hiện nay về năng lượng tái tạo còn nhiều tồn tại, quy hoạch được đưa ra rõ ràng, chi tiết, nhưng việc thực thi quy hoạch lại không được như kỳ vọng, ách tắc, chậm trễ chẳng hạn như Quy hoạch điện VIII vừa qua vẫn còn đó hàng loạt ách tắc, nếu bây giờ các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư, sẽ khó có thể đáp ứng được về mặt chiến lược – Đây có thể coi là một nghịch lý.

Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta vẫn còn có những khoảng trống về chính sách, khiến hàng loạt các dự án đã và đang thực hiện, trong đó có những dự án đã đi vào hoạt động đến 15 tháng qua nhưng vẫn chưa có giá, chưa có hợp đồng đàm phán mua bán điện. Trong lúc này, các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, vì vậy, rất mong các cơ quan quản lý cân nhắc, có chính sách hỗ trợ. 

“Nếu chưa thống nhất được mức giá, thì có thể ban hành một mức giá tạm thời cho để làm căn cứ chi trả cho doanh nghiệp sau đó, khi có mức giá thống nhất, có thể truy thu hoặc bù thêm… doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức, hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhất là khi, thiết bị thì vẫn để phơi sương phơi gió, trong khi giá điện thì vẫn chờ phê duyệt”.

Chưa kể, tình trạng giải phóng mặt bằng cũng được cho là rất chậm, chưa phù hợp với quy hoạch đề ra, chẳng hạn như một số dự án tại Bình Thuận hay Ninh Thuận, dù theo quy hoạch thì sẽ hoàn thiện xong giải phóng mặt bằng trong năm nay, tuy nhiên, đã trải qua 4 năm, thì mới thực hiện giải phóng xong 50% tiến độ đề ra.

Vì vậy, để ngành năng lượng tái tạo phát triển, thu hút được các nhà đầu tư, giữ chân họ ở lại, thì cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế tối đa các rủi ro cho doanh nghiệp.

>> NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Định hướng chính sách ổn định để phát triển

TS. Hoàng Giang – Chủ tịch Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre cho biết, 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nhưng không kịp hoàn thành COD trước 31/10/2021 nên chưa được bán điện. Bên cạnh đó, 452 MW điện mặt trời cũng đã hoàn thành sau thời hạn 31/12/2020 nên phải chờ xác định giá bán điện hơn một năm, vẫn chưa được bán điện. 62 dự án này có tổng mức đầu tư 7 tỷ đô la Mỹ.

TS. Hoàng Giang – Chủ tịch Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre

TS. Hoàng Giang - Chủ tịch Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre

Đáng nói, các dự án này gần như đã xong xuôi chỉ chờ tham gia hoạt động, góp phần vào sự phát triển cho đất nước nhưng mười mấy tháng rồi mà chúng tôi vẫn đang phải “đắp chiếu nằm chờ”, trong khi những chi phí khác chúng tôi vẫn phải trả.

Ông Giang chia sẻ, khi xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo đều được tính toán trên mức giá tương đương 8,5 cent điện gió trên bờ và 9,8 cent điện gió dưới biển… và đến nay một thời gian dài không có giá thì đó là một sự lãng phí lớn. Hiện nay EVN đang trình mức giá trần nhưng những doanh nghiệp có dự án chuyển tiếp chắc chắn lỗ nếu giá điện gió trên bờ tương đương 6,8 cent…

“Nếu lỗ như vậy thì làm sao chúng ta động viên để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hay phát triển được nữa” – ông Giang phân trần.

“Chúng tôi muốn kêu cứu để các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện nay nhưng đồng thời cũng là để cho thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển bền vững; đồng thời giữ được lòng tin với các nhà đầu tư trong đó có cả nhà đầu tư thế giới” – ông Giang chia sẻ. 

ông Phan Công Tiến, Chuyên gia nghiên cứu thị trường điện và năng lượng tái tạo

Ông Phan Công Tiến, Chuyên gia nghiên cứu thị trường điện và năng lượng tái tạo.

Liên quan đến vấn đề về giá của các dự án điện chuyển tiếp, ông Phan Công Tiến, Chuyên gia nghiên cứu thị trường điện và năng lượng tái tạo cho rằng, từ chủ trương hiện nay đang thực hiện, chúng ta nên tách ra, không nên đánh đồng dự án chuyển tiếp mà nên tập trung vào các dự án hưởng giá FIT. Vì các dự án chuyển tiếp sẽ có dự án tương lai, nhưng cách thức triển khai với giá đưa ra như hiện nay thì các dự án tương lai sẽ không có nhà đầu tư nào tham gia được.

Bên cạnh đó, giá điện của các nhà máy điện phụ thuộc vào hai yếu tố như:

Thứ nhất là chi phí đầu tư, chi phí hình thành nên giá trị tài sản của dự án đó;

Thứ hai là sản lượng điện phụ thuộc vào vùng miền đối với dự án năng lượng tái tạo. Vì vậy hiện nay, mấu chốt vấn đề là xác định được giá trị tài sản đã đầu tư là bao nhiêu, hay các bên liên quan có giải pháp xác định điều đó để hình thành giá điện.

Ông Tiến cho rằng, không thể coi một nhà máy bán điện mà không căn cứ vào tài sản họ đã đầu tư, nhưng lại đi tính giá trị tài sản không liên quan đến dự án của họ thì về mặt giá điện là không hợp lý. 

Vì vậy vị chuyên gia kiến nghị, các nhà đầu tư nên thuê kiểm toán độc lập để xác định được giá trị tài sản thực sự đã đầu tư vào công trình. Đồng thời, với giá trị tài sản đó sẽ cùng với sản lượng dựa vào các công trình tương tự cũng như các dự báo, để tính ra giá điện.

“Đó là giải pháp giải quyết được cả hai bên. Còn vấn đề người mua, khi công bố giá điện đó cho người sử dụng điện, nếu các ý kiến đều đồng thuận thì chúng ta sẽ dùng giá đó cho nhà đầu tư”, ông Phan Công Tiến nói.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu của thế giới. Như trong các báo cáo trước đã đề cập, trong 3 năm, chúng ta đã đạt được 26% công suất của hệ thống điện nước ta là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Đây là sự thay đổi lớn của ngành năng lượng nhưng hiện đang phát sinh một số vướng mắc từ thực tế.

Chính vì vậy, cùng với các kiến nghị của nhà đầu tư về giải pháp thúc đẩy thị trường mua – bán năng lượng tái tạo thì chính các doanh nghiệp sản xuất điện cũng nên “bắt tay” cùng EVN xây dựng cơ chế phụ trợ cho hệ thống. Trên thực tế, có một số thiết bị công nghệ mới cho ngành chưa có hành lang pháp lý để nhập khẩu hoặc tương lai xa hơn là sản xuất.

Và vì vậy, tôi mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp… tại Diễn đàn cùng đưa ra những kiến nghị cụ thể để có một hành lang pháp lý đủ rộng để phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Trần Minh Tiến - Chủ đầu tư 4 Nhà máy điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị cho biết, hiện nay các dự án của doanh nghiệp có tổng công suất là 160 MW và hoàn thành xong các dự án chỉ sau hạn cuối của quy hoạch một vài ngày nhưng cho đến nay, các dự án đều phải đắp chiếu. Với số vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, và trong hơn 1 năm qua không có doanh thu, khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn và đứng trên bờ vực phá sản.

Ông Trần Minh Tiến - Chủ đầu tư 4 Nhà máy điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị

Ông Trần Minh Tiến - Chủ đầu tư 4 Nhà máy điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị.

Về mặt chính sách phát triển năng lương tái tạo của Chính phủ là phù hợp và rất tốt, tuy nhiên, tuổi thọ của chính sách không dài, khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện dự án. Thực tế, việc các dự án chậm tiến độ, không phải do doanh nghiệp không thực hiện sai các cam kết đầu tư mà xuất phát từ dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp không hề mong muốn.

Vì vậy, thông qua Diễn đàn này, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn vướng mắc về chính sách cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: Chủ đề hôm nay là “tư duy và hành động mới” – đây là chủ đề rất hay và chúng ta phải  làm rõ được tư duy mới trong năng lượng tái tạo là gì, từ đó mới đưa ra được hành động trên tư duy mới đó.

Ông Vy cho rằng, trước đây nói tới năng lượng tái tạo người ta nghĩ tới chi phí rất lớn nhưng thực tế thì tư duy mới là năng lượng tái tạo là càng ngày càng rẻ hơn và thực tế là đã rẻ hơn.

Thứ hai, về vấn đề niềm tin. Một đất nước mà mất niềm tin cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo thì sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần phải có những chính sách cụ thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thứ ba, về Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt.

Ông Vy cho rằng, Quy hoạch điện VIII cũng cần xem xét tính khả thi cả về kinh tế và tiến độ thực hiện. 

Bà Hồng Kim Vi - Phó Tổng Giám đốc Đối ngoai, Tập đoàn Super Energy cho biết, về lĩnh vực đầu tư điện ở Việt Nam có thể chia làm ba nhóm gồm nhóm thứ nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; thứ hai là các tập đoàn Việt Nam có thể thu xếp được tín dụng với các ngân hàng trong nước và nước ngoài; nhóm thứ ba là chưa kịp thu xếp vốn nhưng muốn làm dự án.

Bà Hồng Kim Vi – Đại diện nhà đầu tư điện gió Việt Nam

Bà Hồng Kim Vi - Bà Hồng Kim Vi - Phó Tổng Giám đốc Đối ngoai, Tập đoàn Super Energy

Với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn từ năm 2017-2019, họ có thể lấy được nguồn vốn nước ngoài với giá khoảng 4-5% (USD), trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải lấy vốn ở các ngân hàng trong nước với vốn từ 11-15% nếu tính tất cả các chi phí vốn vào đó. Vì vậy các nhà đầu tư trong nước bị đẩy vốn đầu tư lên rất cao so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, vì các ngân hàng nước ngoài không cho vay với doanh nghiệp trong nước do điểm tín dụng không đủ. Cho nên doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nhờ các ngân hàng Việt Nam cấp thư bảo lãnh tín dụng, từ đó mới xin vay được vốn nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ một vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam mới làm được việc đó, đa số doanh nghiệp còn lại sẽ dùng hình thức tổng thầu.

Hình thức này, đa số các tổng thầu là của Trung Quốc, họ sẽ cho các doanh nghiệp trả chậm từ 2-3 năm, thường các doanh nghiệp nghĩ đến một bức tranh rất màu hồng khi làm dự án khoảng 2 năm là xong, tới lúc Nhà nước trả tiền cũng là lúc phải trả tiền cho đơn vị tổng thầu. Tuy nhiên khi không kịp giá FIT, thì không có tiền để trả cho tổng thầu, buộc các tổng thầu phải siết nợ trong khi doanh nghiệp thế chấp bằng dự án. Chính vì vậy mới tạo ra câu chuyện các nước thâu tóm ngành điện của Việt Nam. Vốn dĩ khi làm dự án, doanh nghiệp chỉ có 30% vốn, còn 70% sử dụng tổng thầu, sau 2-3 năm không có tiền thì phải bị siết nợ là điều dễ hiểu. Do đó, sự cấp thiết của giá là rất quan trọng.

“Một câu chuyện nữa là hiện nay đang có xu hướng sôi động trên thị trường mua bán sáp nhập. Nhà đầu tư nước ngoài từ châu Âu, Mỹ hay nhiều nước châu Á thay vì nghiên cứu đầu tư dự án mới tại Việt Nam, thì họ sẽ tham gia vào thị trường bằng việc mua bán các dự án đã COD tại Việt Nam. Đây là một cơ hội quá tốt khi các doanh nghiệp Việt Nam đang kẹt tiền, nếu ép giá sẽ mua được giá rất hời thay vì đầu tư dự án mới, chịu rủi ro”, bà Vi chia sẻ thêm.

Theo bà Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án quốc gia CASE và Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, cần tiếp tục cơ chế giá ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo không kịp hưởng cơ chế giá FIT do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19. Đây là yếu tố khách quan, doanh nghiệp không thể kiểm soát được. 

bà Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án quốc gia CASE và Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam,

Bà Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án quốc gia CASE và Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam.

Bà Vũ Chi Mai cho rằng, nên đặt câu chuyện này trong bối cảnh dài hơn, trong cam kết của Việt Nam liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phác thải khí nhà kính và mục tiêu đạt NetZero của Việt Nam vào năm 2050. Nền kinh tế chuyển đổi từ phác thải CO2 sang kinh tế xanh đòi hỏi sự chuyển dịch rất nhiều sang năng lượng tái tạo. Một trong những yếu tố được rất nhiều nước hướng đến là huy động, tối ưu hoá sự tham gia của doanh nghiệp trong nước để tỷ lệ nội địa hoá đạt được ở mức cao nhất, giảm chi phí đầu tư cũng như tạo chuỗi giá trị cho nền kinh tế được thụ hưởng từ đấy. Đó cũng chính là tạo giá trị cạnh tranh. Ưu tiên các nhà đầu tư trong nước có vị thế trong mảng năng lượng tái tạo được Việt Nam thực hiện.

Bà Vũ Chi Mai cũng nhận thấy những khó khăn sau giai đoạn năng lượng tái tạo phát triển nhanh. Đó là khả năng hấp thụ chưa hết sản lượng điện từ năng lượng tái tạo do hạn chế lưới. Để giải quyết vấn đề này, cần thúc đẩy và khuyến khích nhà đầu tư trong nước vào truyền tải, về nguyên tắc đã có, vấn đề còn lại là thực hiện và triển khai cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Ông Vũ Văn Định – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì năng lượng tái tạo cũng có những hạn chế nhất định nhất là điện gió và điện mặt trời.

Ông Vũ Văn Định – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội

Ông Vũ Văn Định - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội.

Cụ thể, hiện nay, tại giờ cao điểm (buổi trưa) thì lượng điện năng được sản xuất ra sẽ vô cùng lớn, trong khi, chưa có giải pháp tích năng, việc đưa lên hết cho đường truyền tải sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho điện lưới quốc gia. Chưa kể, trong lộ trình phát triển, thì năng lượng tái tạo sẽ chiếm thị phần lớn trong tương lai, tuy nhiên, việc thực hiện tích năng hiện nay cũng chưa được tính toán phù hợp, dẫn đến việc phát sinh chi phí khiến giá cả tăng cao.

Trên thế giới, một số nước như Nhật Bản, Mỹ, đồng hành với việc phát triển năng lượng tái tạo, họ cũng phát triển song song các giải pháp tích năng để hạn chế phát sinh chi phí, làm tăng giá.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, với lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, bên cạnh các chính sách, giải pháp được đề ra thì cần phải tính đến các giải pháp tích năng cho năng lượng tái tạo, từ đó mới có thể khắc phục được những hạn chế hiện nay của ngành này.

f

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối phiên thảo luận.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, chúng ta đã có hơn 2 tiếng đồng hồ để trao đổi các nội dung liên quan tới tư duy và hành động mới cho phát triển thị trường năng lượng tái tạo trong bối cảnh mới. Về phía VCCI, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các ý kiến để tổng hợp và có báo cáo tới các cơ quan chức năng liên quan.

Kết luận tại Diễn đàn, PGS TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện KHCN Quốc tế Việt Nam – Nhật BảnPhó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng và PT công nghệ Năng lượng cho biết, tại Diễn đàn hôm nay qua các ý kiến phát biểu chúng ta đều khẳng định vai trò của năng lượng tái tạo và cần chính sách cụ thể để đưa lộ trình phát triển bền vững.

Ông Lương nhấn mạnh rằng, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa thách thức cho các doanh nghiệp để hướng tới “xanh lưới” hệ thống điện Việt Nam.

Ngoài những thuận lợi thì thị trường năng lượng tái tạo đang tồn tại những khó khăn nhất định như giá FIT, cơ chế đấu thầu, truyền tải điện… đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nhanh chóng có những chính sách cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp, giúp họ có điều kiện hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 55 -NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.