Tình trạng ùn ứ hàng nông sản khu vực biên giới nguyên nhân một phần dop/tư thương làm ăn với các đối tác lại không có hợp đồng.

Tình trạng ùn ứ hàng nông sản khu vực biên giới nguyên nhân một phần do tư thương làm ăn với các đối tác lại không có hợp đồng.

>> Khơi thông “nông sản đường biên”: Sức ép xuất khẩu “chính ngạch”

Hiện đang là thời điểm “vàng” tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam tại Trung Quốc. Sự kiện đón Noel, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi nước ta ở thị trường nước bạn là rất lớn.

Do khan hiếm hàng, các chủ hàng, đối tác Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao nếu đưa được nông sản của ta sang biên giới. Cũng chính vì vậy, nhiều xe chở nông sản vẫn đổ về biên giới Lạng Sơn, bất chấp tình trạng ùn ứ kéo dài. Và câu chuyện nông sản Việt Nam bị ùn ứ tại cửa khẩu với Trung Quốc lại đang nhận được sự chú ý của dư luận những ngày gần đây

Sau thời gian dài nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), nhiều tài xế và chủ hàng buộc phải đưa xe container quay đầu và đỗ dọc quốc lộ 1A để mở container bán mít, xoài… với giá rẻ như cho nhằm gỡ lại phần nào chi phí.

Những quả mít được vận chuyển từ miền Nam ra đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, vốn dĩ thuộc dòng “xuất ngoại” nhưng giờ phải vứt bỏ chỏng chơ nơi góc đường quốc lộ, nhiều quả đã bị hỏng, thối nát bán tháo với giá rẻ giật mình như cho 10.000/quả.

tính đến sáng ngày 21/12/2021, tổng lượng xe hàng hóa tồn tại các cửa khẩu chờ xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 6.300 xe2

Tính đến sáng ngày 21/12/2021, tổng lượng xe hàng hóa tồn tại các cửa khẩu chờ xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 6.300 xe.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay gần 4.500 container vận chuyển nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu. Việc nông sản bị ùn tắc không phải lần đầu mới diễn ra. Tuy nhiên ở lần này, thời gian ùn tắc kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhiều người.

Tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân đầu tiên là do phía Trung Quốc đang thắt chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, Việt Nam thực hiện chiến lược “sống chung với dịch” nhưng phía bạn lại theo đuổi mục tiêu “zero Covid”. Chính vì vậy, sự “thận trọng” từ phía Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động giao thương với Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

>> Ùn tắc nông sản biên giới: Đề xuất thiết lập "vùng đệm" với Trung Quốc

Đánh giá nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên có thể thấy hoạt động kinh doanh nông sản của chúng ta còn nhiều vấn đề bất cập. Câu chuyện về thị trường cho nông sản Việt vẫn luôn là vấn đề nóng.

Một là, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Lý do dễ hiểu là Việt Nam ở cạnh Trung Quốc, dễ dàng vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không chi phí rẻ. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc dễ tính hơn nhiều so với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Điều này phù hợp với tập quán canh tác, trình độ sản xuất của nông dân Việt nam.

Có điều, hiện nay chính thị trường Trung Quốc cũng đang dần dần không còn dễ tính nữa, khi đặt ra các yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, thậm chí tương đương với các tiêu chuẩn ở một số thị trường khó tính khác.

Theo ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại TP.Nam Ninh, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%, trong khi các loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan và các nước ASEAN khác chỉ bị kiểm tra khoảng 30%.

Tỷ lệ các lô hàng trái cây Việt Nam không đạt kiểm dịch của Trung Quốc, đặc biệt là về chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây nhập khẩu từ Việt Nam cũng làm tăng tỷ lệ kiểm tra, gây chậm trễ trong thông quan. Trong 10 tháng của năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

Hai là, xuất khẩu nông sản vẫn chủ yếu theo đường tiểu ngạch.

Việc xuất khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch, mạnh ai nấy làm, thiếu sự điều tiết. Chính điều này đã dẫn đến sự bị động trong việc giao thương với phía Trung Quốc.

Ba là, hợp đồng mua bán lỏng lẻo.

Tức là, các ác hợp đồng mua bán hàng nông sản hầu hết không bảo đảm chắc chắn về mặt pháp lý theo thông lệ quốc tế nên phần lớn rủi ro phía Việt Nam sẽ phải gánh. Không phải đến thời điểm hiện tại vấn đề này mới được nêu ra. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đã không ít lần chỉ ra điều này.

Bốn là, thị trường cho hàng nông sản tuy đã “mở” nhưng còn hạn chế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021 tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 1-2020. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khác, như Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan… tăng. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ tăng từ 3,9% lên 4,3%, Thái Lan từ 5% lên 5,2%, thị trường Đài Loan từ 1,3% lên 2,9%…

Điều đáng mừng là hiện nay, không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác của Việt Nam cũng đang giảm dần phụ thuộc vào thị trường nước láng giềng. Giới kinh doanh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Chẳng hạn, nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) giúp nhà kinh doanh Việt Nam có thêm thị trường mới.

Tức là, các cơ quan quản lý cũng đã nghiên cứu, tạo điều kiện để mở rộng các thị trường cho nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề không phải ngày một ngày hai là có thể kết thúc. 

Từ thực tế trên cho thấy,  câu chuyện giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bản chất chính là “thoát ta”. Chính nông dân Việt Nam và các doanh nghiệp phải tự nâng tầm mình, đưa ra sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn với thị hiếu. Bởi vì thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng và không ai muốn bỏ.