Các dược sĩ đã chuẩn bị ống tiêm với vắc xin Johnson & Johnson ở Detroit

Các dược sĩ đã chuẩn bị ống tiêm với vắc xin Johnson & Johnson tại Detroit. Ảnh: AP

Các nguồn tin tại Mỹ trích lời ông Peter Marks, quan chức FDA cho biết, các trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin J&J "rất giống" với các trường hợp sau khi tiêm vắc xin của Hãng AstraZeneca. Do đó, cơ quan này đã tạm ngừng tiêm vắc xin J&J vài ngày để phổ biến thông tin cho các bệnh viện và trung tâm y tế về cách chẩn đoán và điều trị tình trạng đông máu.

Trước đó, Mỹ ghi nhận 6 trường hợp mắc chứng đông máu đều xảy ra ở phụ nữ từ 18 đến 48 tuổi, với các triệu chứng phát triển từ 6 đến 13 ngày sau khi họ tiêm vắc xin. Những người tiêm vắc xin và bị đau đầu dữ dội, đau bụng, đau chân hoặc khó thở trong vòng 3 tuần sau khi tiêm chủng nên liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hiện tại, đại diện J&J cho biết trong một tuyên bố rằng không có mối quan hệ rõ ràng đã được xác định giữa chứng máu đông và vắc xin; đồng thời họ đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý để đánh giá dữ liệu.

Hiện nay các quốc gia đang lo ngại về việc các loại vắc xin ngừa COVID-19 gây chứng đông máu. Cho đến nay, các chuyên gia nghiên cứu tại châu Âu cho biết, có khả năng những trường hợp mắc chứng đông máu có những đặc điểm sinh học hiếm gặp dẫn đến việc sau khi tiêm vắc xin sẽ tạo kháng thể bất thường gây cục máu đông.

Rachael Piltch-Loeb, một chuyên gia về rủi ro sức khỏe tại N.Y.U cho biết, vắc xin của hãng dược J&J và AstraZeneca được sản xuất với cùng một công nghệ. Cả hai hãng dược đều ứng dụng đều sử dụng virus đã được can thiệp làm cho vô hại, đóng vai trò như một vector hay còn gọi là phương tiện trung gian, mang thông tin di truyền giúp cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

“Trước mắt, một số quốc gia đã áp đặt giới hạn tuổi đối với những người có thể tiêm vắc xin AstraZeneca. Do đó, các nước có thể hạn chế độ tuổi khi tiếp tục sử dụng vắc xin J&J. Đồng thời, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống đông máu hoặc globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch để điều trị các bệnh nhân”, chuyên gia này khuyến cáo.

Mặt khác, Tiến sĩ Anne Schuchat, quan chức của CDC Mỹ nhận định, các nước cần tiếp tục nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn so với những rủi ro, cũng như đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về các triệu chứng gặp phải sau khi tiêm vắc xin.

Bà cho biết, các triệu chứng của việc xuất hiện cục máu đông rất khác với các triệu chứng giống cúm nhẹ mà mọi người thường gặp phải vài ngày sau khi tiêm phòng như mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt và buồn nôn.

Vắc xin AstraZeneca

Vắc xin AstraZeneca và vắc xin J&J được sản xuất với cùng một công nghệ.

Do đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu như bị đau đầu dai dẳng, vừa phải đến dữ dội, đau bụng, đau chân hoặc khó thở, bắt đầu sáu ngày hoặc muộn hơn sau khi tiêm cần đến các bệnh viện hoặc liên hệ đến các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành điều trị..

“Các thông tin về những tác dụng phụ sau tiêm của vắc xin cần được chia sẻ và công khai minh bạch. Nếu công chúng nghi ngờ rằng chính phủ đang che giấu những tác dụng phụ tiềm ẩn nghiêm trọng, thì nhiều người có thể quyết định không tiêm vắc-xin”, bà Schuchat nhấn mạnh.

Ngoài Johnson & Johnson, Mỹ đã cấp phép cho hai loại vắc xin COVID-19 khác gồm Pfizer-BioNTech và Moderna. Đến nay, chưa có cảnh báo an toàn lớn nào đối với hai loại vắc xin này. Dự kiến trong thời gian tới, CDC Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các nhóm đối tượng được tiêm những loại vắc xin này để hạn chế tác dụng phụ phát sinh.