Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể đến Đài Loan

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy có thể đến Đài Loan

>> “Mặt trận mới” trong quan hệ Mỹ - Trung

Theo một số nguồn tin thân cận, giới Ngoại giao Mỹ đang soạn thảo kế hoạch để tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thăm Đài Loan trong thời gian thích hợp. Động thái này càng làm cho mâu thuẫn Trung Quốc - Mỹ trở nên sâu sắc hơn.

Trước đó, vị cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi - người thuộc đảng Dân chủ, đã đến Đài Loan hồi tháng 8/2022 trong sự phản ứng gay gắt của chính quyền Bắc Kinh. Lần này có thể thêm một nhân vật chủ chốt của đảng Cộng hòa làm điều tương tự. Điều đó cho thấy cách tiếp cận đồng nhất - cứng rắn của người Mỹ đối với vấn đề Đài Loan và Trung Quốc.

Mỹ đã thành lập một ủy ban đặc biệt về cạnh tranh Mỹ - Trung trong tháng này. Đây cũng là một trong những hành động đầu tiên của Hạ viện Mỹ khóa mới. Dưới sự lãnh đạo của ông McCarthy, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang ưu tiên việc cạnh tranh với cường quốc châu Á.

Quan chức Mỹ liên tục đến Đài Loan như “giọt nước tràn ly”, khép chặt mọi cơ hội để hai bên có thể đối thoại. Nói cách khác, mâu thuẫn Trung - Mỹ hiện nay biểu hiện trên mọi phương diện.

Washington coi bất cứ điều gì có thể nâng cao năng lực quốc gia của Trung Quốc đều tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một đối thủ cạnh tranh chiến lược và hỗ trợ quá trình xây dựng lực lượng quân sự đe dọa lợi ích toàn cầu của Nhà trắng.

Đổi lại, Bắc Kinh ngày càng cảm thấy bị gò bó khi phải chơi theo luật của Mỹ. Trung Quốc không còn “dấu mình chờ thời”, họ nỗ lực xây dựng mạng lưới lợi ích có xu hướng “đồng minh”, gián tiếp thách thức hệ giá trị do Mỹ và đồng minh nắm giữ.

Tổng thống Joe Biden đang cố gắng tổ chức và nâng cấp một liên minh gồm các quốc gia có cùng chí hướng, đặc biệt là các nền dân chủ ở châu Á và châu Âu, để đối trọng và gây sức ép với Trung Quốc. Nhưng có vẻ cách tiếp cận này không còn hiệu quả như thế kỷ trước. Bởi kể từ chiến tranh thương mại 2018, Mỹ tổn thương không ít, đẩy nền kinh tế của mình vào thế bất lợi, mất thị phần ở các nước thứ ba, chậm chân so với đối thủ tại các vùng đệm chiến lược như Nam Mỹ, Bắc Phi và Trung - Tây Á.

>> Bất đồng Mỹ- Trung "phủ bóng" lên Thượng đỉnh G20

Lịch sử cho thấy, lợi ích của Washington chỉ được đảm bảo khi hợp tác hoặc làm việc theo những cách bổ sung với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định và duy trì mối quan hệ kinh tế trên nguyên tắc “win - win” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đấu pháp của Joe Biden với Trung Quốc có vấn đề?

Nhiều ý kiến cho rằng đấu pháp của ông Joe Biden với Trung Quốc có vấn đề.

Cách xử lý cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc đang khiến đồng minh e ngại. Bằng chứng là nhiều quốc gia đang tăng cường thương mại với Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu; đồng thời duy trì mối liên hệ kinh tế cốt lõi với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Trong khi đó, Trung Đông và các nước giàu tài nguyên dầu khí đã chọn Trung Quốc làm đối tác lâu bền. Các đại diện tiêu biểu của nền công nghệ Trung Quốc âm thầm thâu tóm thị trường - không như kỳ vọng của Mỹ.

Đặc biệt, chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ngay sau khi ông Tập Cận Bình đăng cơ nhiệm kỳ thứ 3, cho thấy các đồng minh của Washington vẫn ưu tiên một chính sách cân bằng hơn là thiên cực.

Cho dù ông Joe Biden không ngừng kêu gọi đồng minh “đồng thanh tương ứng”, song trên thực tế, nhiều quốc gia đang làm ngược lại những gì mà những tiếng nói cứng rắn nhất ở Washington mong muốn.

Trung Quốc đang thực hiện các bước đi vững chắc cho tham vọng kết nối toàn cầu, đây chính là trào lưu toàn cầu hóa lần thứ ba không phải người Mỹ chủ trì. Nó đang manh nha tạo ra một xu hướng mới.