>>> Văn hóa - vaccine giúp doanh nghiệp vượt đại dịch

Nhiều góc nhìn sắc bén về “Tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh” đã được các diễn giả giàu kinh nghiệm chia sẻ tại tọa đàm mang chủ đề: “Tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh”.

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hoá với doanh nghiệp” năm 2021 với chủ đề

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hoá với doanh nghiệp” năm 2021 với chủ đề "Tiếp biến văn hoá - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế"

Phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2021 chiều 5/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Vị trí của văn hóa trong nền kinh tế và kinh tế trong văn hóa là mối quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định văn hóa, nghệ thuật không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế cần phải được quan tâm”.

Và để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, chúng ta cần phải có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các doanh nghiệp phát triển hài hòa, dựa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong đó, văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, là nền tảng để dẫn dắt, điều chỉnh các trụ cột khác.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) ví văn hóa là “chân thắng” (chân phanh), “chân ga” của doanh nghiệp

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) ví văn hóa là “chân thắng” (chân phanh), “chân ga” của doanh nghiệp

Trong buổi toạ đàm, GS.TS. Từ Thị Loan – nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - cho biết: Có nhiều định nghĩa khác nhau về tiếp biến văn hoá. Tuy nhiên hiểu ngắn gọn thì tiếp biến văn hoá là sự tiếp thu và biến đổi văn hoá. Có nhiều xu hướng tiếp biến văn hoá, nhưng có 5 hướng tiếp biến văn hoá chính gồm: đồng hoá, bảo thủ, hội nhập, chuyển đổi và ngoại biên.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - các xu hướng tiếp biến Việt Nam hiện nay đem lại sự quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Những vấn đề thuộc về bản sắc của Việt Nam thì các doanh nghiệp đều giữ gìn. “Tôi cho rằng cách tiếp biến văn hoá của các doanh nghiệp Việt Nam rất đáng hoan nghênh – vừa giữ gìn bản sắc, vừa tiếp thu những văn hoá mới” – ông Dũng nói.

Về thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước tiếp biến văn hoá, ông Dũng cho hay: Khi đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng loạt siêu thị của Việt Nam tăng giá, nhưng siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài lại xuống giá. Từ đó có thể thấy, các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được với văn hoá của thế giới.

Khi tiếp nhận văn hoá thì không thể đánh mất bản sắc của chính mình; văn hoá người đứng đầu cần thay đổi. Doanh nghiệp tiếp nhận văn hoá của thế giới nhưng năng lực lại không thể theo kịp. Vì thế, chi phí sẽ phát sinh.

Chia sẻ về vai trò của giá trị văn hoá tích cực đối với doanh nghiệp, GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân – cho biết: Giá trị văn hoá tích cực không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, phát triển, mà còn giúp họ tự xây dựng bản thân, vượt qua khủng hoảng trong đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp tiếp cận các giá trị văn hoá theo xu hướng mở. Do đó, tiếp biến văn hoá không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu văn hoá mới mà còn phải giữ gìn bản sắc văn hoá riêng của doanh nghiệp.

Dẫn chứng về văn hoá doanh nghiệp, bà Hoa cho biết: "Khi vào Việt Nam, doanh nghiệp UNIQLO đã cam kết với doanh nghiệp, cộng đồng để tạo uy tín. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhưng UNIQLO vẫn có lợi nhuận và phát triển cửa hàng thứ 10. Tiếp biến văn hoá của doanh nghiệp này là tôn trọng giá trị văn hoá của Việt Nam, cam kết với Việt Nam để mang nhiều sản phẩm tới tay người dân, sản xuất nhiều sản phẩm tại Việt Nam; tạo sự gắn kết cộng đồng – tri ân khách hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch".

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) ví văn hóa là “chân thắng” (chân phanh), “chân ga” của doanh nghiệp; điều này cũng đúng khi nhìn nhận ở góc độ quốc gia và góc độ cá nhân. Trong những thời điểm thuận lợi, văn hóa sẽ như “chân ga” giúp doanh nghiệp phát triển bứt phá, và văn hóa - chiều sâu bên trong, cũng là “chân thắng” để doanh nghiệp có thể vượt qua đèo cao, không rơi xuống vực sâu... Lâu nay nhiều người nói về văn hóa như một phương tiện để đạt được mục đích, nhưng “văn hóa không chỉ là phương tiện, bản thân văn hóa cũng là mục đích mà mỗi quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân vươn tới”.

Bên cạnh các nội dung tại các buổi toạ đàm, tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hoá DN Hồ Anh Tuấn đề nghị: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sắp tới nên có Chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng VHDN VN sau 5 năm thực hiện; Cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển VHDN Việt Nam (do DN đóng góp để thúc đẩy VHDN); Có cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến DN đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.