Các chuyên gia khuyến cáo, vẫn cần kéo dài thực hiện giãn cách xã hội

Các chuyên gia khuyến cáo, vẫn cần kéo dài thực hiện giãn cách xã hội

Bài học năm 1918

Có thể thấy, những nỗi lo về thiệt hại kinh tế đã làm nhiều nhà lãnh đạo nhanh chóng chuẩn bị cho các phương án tái hoạt động trở lại. Áo, một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng các biện pháp phong tỏa đã cho phép hàng ngàn cửa hàng trên cả nước mở cửa trở lại.

Tại Tây Ban Nha, công nhân tại các nhà máy và công trường xây dựng ở nước này đã trở lại làm việc sau khi chấm dứt lệnh hạn chế đi lại kéo dài 2 tuần. Tương tự, mặc dù đang là tâm dịch lớn nhất trên thế giới, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đang cân nhắc đến các phương án để mở cửa lại nền kinh tế. 

Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo, việc sớm dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 có thể dẫn đến sự hồi sinh chết người của loại virus này.

Theo đánh giá, tốc độ giảm của dịch bệnh COVID-19 chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng. Điều này đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế dịch bệnh phải được dỡ bỏ chậm và có kiểm soát chứ không thể tiến hành ngay lập tức.

Đồng quan điểm, bà Jennifer Nuzzo, chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ) cũng chỉ ra, việc giãn cách xã hội cần phải được duy trì trong thời gian dài. Cụ thể, vị chuyên gia này đã nhắc tới bài học dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 cướp đi sinh mạng của gần 100 triệu người trên toàn thế giới. 

Mặc dù khi đó, hệ thống y tế toàn cầu chưa phát triển như lúc này, không có vắc-xin để chống nhiễm cúm và không có kháng sinh để điều trị nhiễm vi khuẩn thứ cấp có thể liên quan đến nhiễm cúm. Tuy nhiên, đại dịch năm 1918 đã chứng minh rằng biện pháp giãn cách xã hội thực sự hiệu quả. 

Các thành phố như Oakland (California); Omaha (Nebraska); Portland (Oregon) và Seattle, với các chiến lược cách ly xã hội hơn 120 ngày vào năm 1918, đã có thể nhanh chóng khống chế dịch bệnh và đạt hiêu quả phục hồi kinh tế cao hơn so với nhóm các thành phố như Philadelphia (Pennsylvania); St. Paul và Minnesota; Lowell (Massachusetts) với các chiến lược cách ly chưa đầy 60 ngày.

Đồng thời, dựa trên dữ liệu từ đại dịch cúm tại nước Mỹ vào năm 1918-1919, các thành phố thực hiện can thiệp xã hội và các can thiệp y tế công cộng sớm hơn 10 ngày so với các khu vực khác đã ghi nhận số ca tử vong giảm đáng kể.

Thành phố St. Louis bang Missouri đã từng lên kế hoạch tổ chức sự kiện lớn vào thời điểm dịch bệnh cúm 1918 đãng diễn ra. Nhưng sau khi hủy bỏ sự kiện để thực hiện giãn cách xã hội, số người chết ở St. Louis dừng ở ngưỡng dưới 700 người.

Không nên từ bỏ

Vào thời điểm hiện tại, thế giới đang đối mặt tốt hơn với đại dịch COVID-19 so với dịch cúm. Vấn đề chỉ là còn là thời gian để các nhà nghiên cứu và phát triển một loại vắc xin hiệu quả. Tuy nhiên, với những diễn biến bất thường của virus Corona chủng mới, vẫn còn quá sớm để nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội.

Theo nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đang lo ngại hàng nghìn chủng virus được lấy mẫu và được nghiên cứu về trình tự gen chỉ là "phần nổi của tảng băng" và điều đó có thể tạo nên nguy cơ dịch bệnh có thể khó kiểm soát hơn trong thời gian tới. Mặt khác, sự gia tăng của những ca nhiễm COVID-19 không triệu chứng cũng đòi hỏi cần kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội để tránh bùng nổ làn sóng dịch mới. 

Do đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến nghị, trước mắt, các quốc gia có thể xem xét 6 tiêu chí để dỡ bỏ hạn chế như kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh; bảo đảm hệ thống y tế có đủ năng lực trong phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị ca bệnh và theo dõi các trường hợp tiếp xúc; giảm thiểu nguy cơ bùng phát ổ dịch trong cộng đồng, đặc biệt là ở các cơ sở y tế và viện dưỡng lão.

Đồng thời, các biện pháp phòng ngừa được áp dụng tại nơi làm việc, trường học và những địa điểm nhiều người đến được triển khai hiệu quả; kiểm soát được rủi ro xuất hiện ca nhiễm mới từ nước ngoài vào. Cộng đồng xã hội phải được tuyên truyền đầy đủ, tham gia và tuân thủ những "chuẩn mực mới" về phòng dịch.

Tuy rất bất tiện, nhưng giãn cách xã hội là việc dễ dàng nhất, là cách mà mọi quốc gia trên thế giới có thể tham gia để chống lại virus này, và kết quả sẽ rất khả quan.