Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2025 – 2030 vừa được Vinapaco trình Bộ Công Thương.

Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2025 – 2030 vừa được Vinapaco trình Bộ Công Thương.

Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2025 – 2030 vừa được Vinapaco trình Bộ Công Thương. Cụ thể, sẽ sáp nhập 4 phòng, hợp nhất 7 công ty, khai tử 1 chi nhánh.

“Mạnh tay” tái cơ cấu

Theo đề án, Vinapaco đề xuất sáp nhập Phòng Điều độ vào Phòng Kỹ thuật; sáp nhập Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu vào Phòng vật tư nguyên liệu, lấy tên là Phòng Vật tư nguyên liệu và Kinh doanh xuất nhập khẩu. Đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc, Vinapaco sẽ chấm dứt hoạt động của Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu Dăm mảnh do sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua liên tục thua lỗ.

Bên cạnh đó, Vinapaco cũng giải thể Chi nhánh Tổng công ty Giấy Việt Nam tại Hà Nội, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, bộ phận làm việc tại tòa 142 Đội Cấn của Chi nhánh Hà Nội sẽ chuyển về Văn phòng Tổng công ty quản lý, còn bộ phận quản lý kho của Chi nhánh Hà Nội tại 672 Ngô Gia Tự sẽ chuyển về Công ty giấy Tissue Sông Đuống quản lý. Tổng công ty cũng sẽ tiến hành sáp nhập các công ty lâm nghiệp trên cùng một địa bàn thành một công ty lâm nghiệp nhằm giảm lao động, chi phí.

Đề án tái cơ cấu của Vinapaco cũng cho biết, tổng công ty sẽ thoái vốn tại 10 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Giấy Việt Trì, Công ty Cổ phần Tân Mai miền Đông, Công ty Cổ phần Tân Mai Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Tân Mai Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Tân Mai miền Trung, Công ty Cổ phần In Phúc Yên, Công ty Cổ phần Sắn Sơn Sơn, Công ty Cổ phần Giấy Thanh Hóa, Công ty Tập đoàn Tân Mai, Công ty Cổ phần Giấy BBP.

Về lộ trình thoái vốn cụ thể, Vinapaco cho hay tại Công ty Cổ phần Giấy Thanh Hóa, Tổng công ty đã thu về 24 tỷ đồng tiền đầu tư tại dự án Nhà máy tại xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Còn 11 tỷ đồng, Tổng công ty sẽ tiếp tục thu hồi khi có nhà đầu tư vào mặt bằng nhà máy. Dự kiến, tổng công ty sẽ thoái vốn thành công trong giai đoạn 2018 -2020.

Đối với các công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Công ty Cổ phần Tân Mai miền Đông, Công ty Cổ phần Tân Mai Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Tân Mai Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Tân Mai miền Trung), Tổng công ty dự kiến việc thoái vốn trong năm 2018. Tổng công ty chủ trương thoái vốn hết tại các đơn vị liên kết trong giai đoạn 2018 – 2021 nhằm tập trung nguồn lực cho Bãi Bằng, giấy Tissue Sông Đuống và sản xuất lâm nghiệp.

Tương lai “mù mịt” vì Bột giấy Phương Nam

Vẫn theo đề án, Vinapaco đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn Tổng công ty Giấy Việt Nam sẽ giảm 10% trên tổng số lao động hiện có 3.044 người, tương đương khoảng 300 người (trong đó giảm lượng lao động gián tiếp khoảng 3%) đồng thời tăng năng suất lao động lên 20%.

Đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty cho rằng việc thẩm định lại giá trị của dự án cũng chưa đảm bảo chắc chắn việc đấu giá sẽ thành công. Do đó, Tổng công ty đề nghị Bộ Công Thương và các bộ ngành báo cáo Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá tài sản dự án để cổ phần hóa Tổng công ty.

Kế hoạch cổ phần hóa của Vinapaco đã đặt ra từ lâu và dự kiến hoàn thành vào năm 2015, song đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” do gặp vướng mắc tại Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Sau khoảng 3 lần gia hạn bán đấu giá và giảm giá, đến nay, Dự án này vẫn chưa có người mua, việc giải quyết tồn tại ở Dự án vẫn chưa có tiến triển mới. Dự kiến, trong năm 2018, Vinapaco sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá Nhà máy này.

Theo Vinapaco, năm 2017, kết quả sản xuất kinh doanh của DN có nhiều khởi sắc. Tại công ty mẹ, sản xuất kinh doanh khối công nghiệp đạt doanh thu 2.103 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch năm và 101% doanh thu thực hiện năm 2016. Lợi nhuận đạt trên 121 tỷ đồng. Thu nhập người lao động được cải thiện.

Một đại diện Vinapaco nhìn nhận, nếu Tổng công ty không bị vướng Dự án “đắp chiếu” Bột giấy Phương Nam thì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới sẽ không có gì đáng ngại, thậm chí đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Song do vướng Dự án nên dù năm 2017, hoạt động kinh doanh đã có lợi nhuận nhưng DN vẫn phải bù lỗ lũy kế cho các năm trước, nên nhìn chung Vinapaco vẫn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2018, Vinapaco đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với việc xử lý xong tồn tại ở Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo sự chỉ đạo của Chính phủ, tiến tới cổ phần hóa Tổng công ty. Đồng thời, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, nếu không giải quyết được tồn tại của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thì tương lai của Tổng công ty sẽ rất mù mịt. Kế hoạch cổ phần hóa sẽ không thể thực hiện được.