Chuyển nhượng

Chuyển nhượng "lòng vòng” 43 ha đất vàng rơi vào tay tư nhân.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CO3) đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 6 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Bình Dương, để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 bộ luật Hình sự 2015.

Đây là diễn biến mới nhất trong tiến trình điều tra vụ sai phạm xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) liên quan đến khu “đất vàng” 43 ha trên địa bàn P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Vụ án này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố sau đó chuyển hồ sơ đến C03 để điều tra theo thẩm quyền. Đến thời điểm này, C03 đã thực hiện biện pháp tố tụng đối với 22 bị can có liên quan thuộc nhiều cơ quan của tỉnh Bình Dương.

Theo hồ sơ, Tổng công ty 3/2 (hiện đã cổ phần hóa) vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một. Ngày 24/11/2004, Tổng công ty 3/2  ký Hợp đồng “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban Quản lý Dự án Khu liên hợp Bình Dương với số tiền hơn 414 tỷ đồng cho hơn 567 ha đất. Sau đó, Tổng công ty 3/2  xin Tỉnh ủy Bình Dương liên doanh để làm dự án trên diện tích 43 ha được “trích” ra trong hơn 567 ha đất.

Điều đáng nói, trong thỏa thuận thống nhất liên doanh trước đó giữa Tổng công ty 3/2 với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc, hai bên đã thống nhất hoàn trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng 43 ha đất là 570.000 đồng/m2 và xem mức giá này là giá trị đất; sau khi liên doanh được thành lập thì công ty mới (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú - Công ty Tân Phú) thanh toán tiền đền bù cho Tổng công ty 3/2, còn Tổng công ty 3/2 phải đảm bảo cho Công ty Tân Phú việc bàn giao toàn bộ khu đất để liên doanh nắm chủ quyền hợp pháp.

Như vậy, theo thỏa thuận trên, 43 ha đất trên thuộc tài sản của Nhà nước mà quản lý là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước lại mang đi liên doanh, chẳng khác gì “chiêu trò” bán rẻ đất công không qua đấu giá.

Tháng 8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Văn bản 1830 đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3/2 góp vốn cùng Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc lập liên doanh Công ty Tân Phú để làm Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (Dự án Tân Phú) trên khu đất. Trong đó, Tổng công ty 3/2 góp vốn 60 tỷ đồng bằng tiền mặt, chiếm 30% vốn điều lệ, còn Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

Thế nhưng, tới tháng 12/2016, dù chỉ được góp đất làm dự án, Tổng công ty 3/2 lại đem bán đứt 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá trên 581.000 đồng/m2, thu về hơn 250 tỷ đồng, mà không qua bất kỳ một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào.

Điều đáng nói, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Tổng công ty 3/2 đã bán với giá thấp hơn giá quy định tại thời điểm trên của UBND tỉnh Bình Dương, gây thất thoát ngân sách hơn 126 tỷ đồng.

Các bị can nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty 3-2.

Các bị can nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty 3-2.

Chưa dừng lại, tháng 3/2017, Tổng công ty 3/2 xin thoái vốn góp 30% trong liên doanh cho Công ty Âu lạc để “Công ty Âu Lạc được sở hữu 100% dự án, thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả” và được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận. Tới tháng 8/2017, Tổng công ty 3/2 bán xong 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc với giá trên 161 tỷ đồng, giúp công ty này thâu tóm, toàn quyền định đoạt 43 ha công sản.

Hơn một năm sau, ngày 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo 512 với nội dung: chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy chỉ cho công ty góp 30% vốn bằng tiền, công ty lại góp bằng đất. Nên Thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú để làm rõ.

Thế nhưng, Công ty Âu Lạc đã “sang tay” toàn bộ dự án cho Công ty Kim Oanh. Hiện dự án mang tên Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (Dự án Tân Phú), được coi là “dự án vàng” bởi nằm tại góc đường Võ Văn Kiệt và Phạm Ngọc Thạch thuộc TP. Thủ Dầu Một, ngay đường rẽ vào Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.

Liên quan đến vụ sai phạm này, ông Phạm Văn Cành, với cương vị Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, đã ký nhiều văn bản cho chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương. Cụ thể, ngày 29/8/2016, ông Phạm Văn Cành ký văn bản đồng ý chủ trương không chuyển giao khu đất 43 ha tại P.Hoà Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) mà để Tổng công ty 3/2 tiếp tục thực hiện góp vốn vào Công ty Tân Phú.

Hai ông Trần Thanh Liêm và Phạm Văn Cành. Ảnh: Bộ Công an.

Hai ông Trần Thanh Liêm và Phạm Văn Cành. Ảnh: Bộ Công an.

Ngày 17/4/2017, ông Cành tham dự cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ (do ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh uỷ, chủ trì) sau đó ký thông báo kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3/2 được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty CP Bất động sản Âu Lạc.

Đặc biệt, ngày 16/8/2018, ông Cành trực tiếp chủ trì cuộc họp nghe Tổng công ty 3/2 báo cáo về việc chuyển nhượng vốn góp và 43 ha đất trong đó có đánh giá: lãnh đạo các đơn vị dự họp đều thống nhất đánh giá quá trình chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú là phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tế.

Cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ông Nguyễn Thanh Trúc, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Trần Xuân Lâm, Tỉnh ủy viên, Chánh thanh tra tỉnh; Võ Văn Lượng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Chánh văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thẩm định, tham mưu, trình ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Với ông Ngô Dũng Phương, Đảng ủy viên, Trưởng phòng Phòng Tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.