Vụ khinh khí cầu làm gia tăng căng thẳng Mỹ- Trung Quốc

>> Trung Quốc bị dồn vào thế khó sau vụ khinh khí cầu

Khinh khí cầu Trung Quốc không phải là một vấn đề mới. Khoảng 2 năm trước, các cư dân Đài Loan đã phát hiện và chụp ảnh được những quả khí cầu màu trắng bí ẩn trên bầu trời, nhưng ít ai quan tâm đến chúng.

Mọi chuyện chỉ rõ ràng hơn sau vụ Mỹ bắn rơi khinh khí cầu của Trung Quốc diễn ra mới đây. Giới chuyên gia cho rằng các khinh khí cầu do thám có thể là một nhánh mới thuộc Lực lượng hỗ trợ chiến lược Trung Quốc, chuyên thực hiện các hoạt động giám sát điện tử và không gian.

Mặc dù trụ cột của hệ thống thu thập thông tin tình báo kỹ thuật số của Bắc Kinh vẫn nằm ở hơn 260 vệ tinh, nhưng khinh khí cầu có thể mang lại một số lợi thế vì chúng có thể bay lơ lửng trên một số khu vực và thu thập hình ảnh rõ ràng hơn.

Ngoài ra, các khinh cầu rất khó bị bắn hạ bởi các vũ khí tối tân như máy bay tiêm kích. Ông Chang Yan-ting, cựu Phó chỉ huy Lực lượng Không quân Đài Loan, cho biết việc bắn hạ khinh khí cầu có thể rất khó khăn và tốn kém. Hơn 30 năm trước, chính ông là một trong các phi công lái máy bay phản lực được cử đến để kiểm tra ba quả khinh khí cầu được cho là của Trung Quốc.

>> Căng thẳng Mỹ- Trung lại “nổi sóng”

Các phóng viên New York Times cho biết đã tiếp cận được các bằng chứng về nghiên cứu quân sự và hồ sơ bằng sáng chế của Trung Quốc liên quan đến tham vọng của Bắc Kinh với khinh khí cầu.

Theo điều tra, Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc đã nghiên cứu các vật liệu, thiết kế và công cụ điều hướng mới để tối ưu hóa khinh khí cầu. Không chỉ áp dụng bằng sáng chế cho những đổi mới như “Phương pháp theo dõi đường bay ba chiều cho khí cầu không người lái”, Trung Quốc cũng cho thấy sự quan tâm đến lĩnh vực khinh khí cầu ở Mỹ, Pháp, hay Israel.

Khinh khí cầu - tưởng chừng đã lỗi thời - nhưng vô cùng hữu ích cho hoạt động do thám

Khinh khí cầu - tưởng chừng đã lỗi thời - nhưng vô cùng hữu ích cho hoạt động do thám

Các nỗ lực này đang dần hé lộ việc Trung Quốc tìm cách phát triển các vật liệu và kỹ thuật mới để chế tạo khinh khí cầu bền hơn, dễ điều khiển hơn, khó bị phát hiện và theo dõi hơn.

Các nhà nghiên cứu về Trung Quốc cũng đã phỏng đoán khả năng Bắc Kinh sử dụng khinh khí cầu tầm cao để mang và phóng tên lửa từ rìa không gian, nơi chúng khó bị phát hiện hơn. Vào năm 2018, đài truyền hình Trung Quốc cho biết các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm một nền tảng khinh khí cầu được cho có thể phóng vũ khí siêu thanh từ không trung.

Sự xuất hiện không đúng lúc của khinh khí cầu Trung Quốc trên không phận Mỹ ngay trước khi Ngoại trưởng Antony J. Blinken bay tới Bắc Kinh đã thổi bùng lên căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Ông Su Tzu-yun, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết: “Đó là một thời điểm tồi”. Nguyên nhân theo ông này có thể là “vấn đề kiểm soát tốc độ”, mặc dù điều khiển hướng đi có thể tương đối dễ dàng.

Ông Bates Gill, Giám đốc Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho rằng một nguyên nhân nữa là khả năng liên lạc nội bộ yếu kém giữa quân đội Trung Quốc và chính quyền dân sự, hoặc thậm chí bên trong - giữa Quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược - có thể đã gây ra vấn đề.