>> Thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại phức tạp và tinh vi

Cho dù năm nay tình hình kinh tế có nhiều khó khăn hơn các năm trước do ảnh hưởng suy thoái hậu COVID-19, nhưng thất bại của ngành này lại là cơ hội của ngành kia. Cho nên, bên cạnh những doanh nghiệp đang lao đao trụ vững cho qua Tết, thì cũng có doanh nghiệp như công nghệ, máy tính, tàu biển… lại dư dả và thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên khá cao.

Tết là dịp mọi người tập trung nghỉ ngơi ăn uống nên nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng rất cao, là cơ hội để hàng giả, hàng nhái chen chân len lỏi vào thị trường, đi vào dạ dầy, gây tác hại khôn lường cho sức khoẻ nhân dân.

Hàng tấn lòng lợn được vứt trên sàn nhà, chờ rã đông để mang đi chế biến

Hàng tấn lòng lợn được vứt trên sàn nhà, chờ rã đông để mang đi chế biến.Ảnh: VOV

Liên tiếp các thông tin về bắt giữ, phát hiện thực phẩm bẩn, đồ uống nhái, thuốc, dược liệu giả… Những kẻ gian thương bất chấp lương tâm vẫn lén lút sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đưa vào tiêu thụ gây cạnh tranh không lành mạnh cho thị trường và quan trọng nhất là làm kẻ giết người thầm lặng gây hại sức khoẻ cộng đồng.

Đáng sợ nhất là vụ bắt giữ các xe thực phẩm bẩn chứa toàn nội tạng của lợn đã bốc mùi hôi thối, vậy mà vẫn ngang nhiên chở hàng xe tải đi mua bán, sau đó dùng hoá chất tẩy trắng cho sạch mùi rồi lại chế biến cho thực khách, bất chấp sự nguy hại của hoá chất của thực phẩm bị bẩn, hỏng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

Ngày 4/1/2023, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện một cơ sở trên địa bàn khu 5 phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái do người Trung Quốc làm chủ đang chế biến 4 tấn lòng lợn bẩn và phát hiện 8 tấn còn đựng trong bao bốc mùi hôi thối. Cơ quan công an cũng phát hiện cả 13 tấn phụ gia bao gồm muối và soda để tẩy trắng số lòng lợn bẩn trên. Thử hỏi nếu không xử lý kịp thời, 12 tấn thực phẩm bẩn kia sẽ toả về các quán ăn bình dân, quán nhậu rồi vào dạ dầy của thực khách gây lên mầm bệnh lâu dài.

>> Nâng cao chế tài xử phạt vấn nạn hàng giả, hàng nhái

>> Hành trình chống hàng giả bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp

Gần Tết, các quầy hàng bày la liệt các loại bánh kẹo và đây cũng là dịp để bánh kẹo giả len chân vào. Người dân thành phố quen sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao thì có khả năng phân biệt, chứ còn các vùng nông thôn thì bánh kẹo nhái, giả mặc sức hoành hành. Bao bì được in ấn bắt mắt, công phu, tên hiệu chỉ chệch đi chút ít đối với các thương hiệu nổi tiếng có chất lượng trên thị trường. Như bánh quy hiệu Danisa của Đan Mạch thì in thành Damisa đánh lừa người tiêu dùng. Ngay cả thương hiệu của Việt Nam cũng bị làm nhái như bánh Cozy của Kinh Đô bị in thành Cosy.  Bánh gạo Nhật Bản thương hiệu Kusa mo chi thì in nhái thành Kusa nochi…

Chỉ khi bóc ra sử dụng thì người từng sử dụng hàng thật mới có thể so sánh phân biệt được.

Chế biến bánh kẹo giả dùng nguyên liệu kém chất lượng, phẩm màu, phụ gia rẻ tiền, độc hại, có khả năng gây ung thư cho người sử dụng. Hậu quả không nhanh như ngộ độc thực phẩm, nhưng về lâu dài quả thực bội phần nguy hiểm. Vậy mà buồn thay những kẻ gian thương vì lợi nhuận vẫn nhắm mắt làm liều, bất chấp sức khoẻ cộng đồng.

Công an Q.8 phát hiện, bắt giữ đường dây sản xuất, mua bán thuốc tây giả

Công an Quận 8, TP HCM phát hiện, bắt giữ đường dây sản xuất, mua bán thuốc tây giả. Ảnh: Thanh Niên

Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện ổ sản xuất thuốc giả rồi tuồn ra thị trường với các loại thuốc kháng sinh, thuốc ho... mặt hàng đặc biệt nhạy cảm liên quan đến uy tín của bác sĩ kê đơn, tính mạng người bệnh. Công ty Traphaco còn phải phát đi thông báo vì mặt hàng Hoạt huyết dưỡng não của công ty bị lừa bán online trên mạng, khi kẻ bán lập lờ đánh lận con đen, quảng cáo một đằng, bán một nẻo như “treo đầu dê, bán thịt chó”, gây ảnh hưởng tới công ty và sức khoẻ người tiêu dùng. Một mặt hàng dược phẩm phải qua bao nhiêu khâu nghiên cứu, thử nghiệm đến đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất với mục đích chữa bệnh và đảm bảo lợi nhuận bị bọn làm giả đánh cắp thương hiệu rồi làm bậy trục lợi trên tính mạng nhân dân.

Giải pháp để xử lý hàng nhái sao cho "bén" cần sự chung tay, phối hợp của mọi người, mọi ngành, không thể đổ hết trách nhiệm cho bên quản lý thị trường. Ví dụ với mặt hàng thuốc giả Bộ Y tế phải cung cấp cập nhật danh mục cấp phép các loại thuốc mới được lưu hành, bên hải quan cung cấp danh mục nhập khẩu mặt hàng thuốc cùng phối hợp triển khai thì quản lý thị trường mới có thể có căn cứ để xử lý chứ chỉ bằng cảm quan không có bằng chứng kết luận thì khó xử lý nghiêm mặt hàng thuốc giả.

Với bánh kẹo giả, chỉ cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở in ấn, yêu cầu phải lưu mẫu in tất cả các đơn hàng, gửi và báo cáo định ký lực lượng quản lý thị trường là sẽ phải hiện được nguy cơ làm hàng giả, hàng nhái vì phần lớn các mặt hàng đó vẫn cần bao bì, nhãn hiệu.

Người tiêu dùng Việt Nam hiếu kỳ với việc của người khác, nhưng lại dễ dãi với quyền lợi của chính mình. Hãy tự bảo vệ mình, đừng dễ dãi coi việc mua phải hàng giả là điều không may rồi bỏ qua, mà hãy nghĩ người nhà, người thân hay chính bản thân mình sẽ là nạn nhân tiếp theo của hàng giả, hàng nhái. Hãy thông tin tới đường dây nóng tố giác hàng giả, hàng nhái theo số điện thoại 1900.888.655 của Cục quản lý thị trường để bảo vệ mình và người thân cũng như công bằng xã hội khi có thông tin về hàng giả, hàng nhái. Hãy hành động vì lợi ích của bạn và xã hội.