Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Với sự quyết tâm, hành động quyết liệt cùng nhiều giải pháp, cách làm đổi mới, sáng tạo, tỉnh Yên Bái đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Yên Bái đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính, theo tinh thần Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Xây dựng và vận hành hệ thống phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp xã; thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Công khai niêm yết, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đến hết tháng 6/2021, tỉnh Yên Bái đã có 1.440 thủ tục hành chính được đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 294 thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện và 107 thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại bộ phận phục vụ hành chính công cấp xã.

Phấn đấu trong năm 2021, thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 50% tổng số hồ sơ trở lên; có tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến cuối năm 2020, đã thu gọn được 405 đầu mối và tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị, bằng 25,5% tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015, tinh giản được 3.780 biên chế, cắt giảm 1.585 biên chế dự phòng.

Qua đó, góp phần đưa nền hành chính của tỉnh Yên Bái chuyển biến tích cực theo hướng “phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm”, được người dân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Năm 2020, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) Yên Bái đạt 43,13 điểm thuộc nhóm trung bình cao. Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 06 trong vùng Trung du miền núi phía Bắc với tổng điểm đạt với 84,70 điểm; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) xếp thứ hạng 16/63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ hài lòng đạt 88,61%.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính đã góp phần khơi thông các điểm "nghẽn”, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan... Đặc biệt, chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Yên Bái đạt 63,35 điểm, đứng thứ 33/63 tỉnh thành trong cả nước, tiệm cận nhóm khá.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn chủ động triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.074 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội và triển khai dự án đầu tư tại tỉnh Yên Bái trong nhiều lĩnh vực như du lịch sinh thái, đô thị, công nghiệp chế biến khoáng sản…

Với quyết tâm, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Yên Bái đã huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,68% duy trì đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nâng cao hoạt động chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số

Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Yên Bái là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực hành chính công, giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục nâng cao hoạt động chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, tập trung xây dựng nền tảng, phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao an toàn thông tin trong toàn hệ thống chính trị; ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số.

Xây dựng phát triển các hệ thống nền tảng Chính quyền điện tử dùng chung của tỉnh gắn với xây dựng Đô thị thông minh trên cơ sở tuân thủ Kiến trúc chính quyền điện tử và Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh đã được phê duyệt.

Hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. Cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ cấp huyện, 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết mức độ 3 và 4 đạt 50% trở lên; giảm thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; ứng dụng rộng rãi nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng. Năng suất lao động tăng bình quân 6,2%/năm.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện mối liên kết giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp, góp phần nâng cao sự hài lòng, cải thiện chất lượng sống của người dân, tạo động lực thúc đẩy tỉnh Yên Bái phát triển nhanh và bền vững.