>> Nâng cao vai trò của người làm báo trong kỷ nguyên số

Theo đó, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 với chủ đề: “Đoàn kết -  Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”, sáng nay (18/3), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thông tin tại Hội thảo

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thông tin tại Hội thảo

Thông tin tại Hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia.

Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Việc đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí – truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau. Từ đó, từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn.

Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, cơ hội của việc sử dụng AI, đặc biệt là ChatGPT hiện rất lớn. Có thể kể đến như ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, giúp tăng tương tác với độc giả và giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi cũng như giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông sẽ thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.

>> Quản trị nhân tài trong kỷ nguyên số

Tòa cảnh Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”

Tòa cảnh Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”

“Trên thực tế, ChatGPT và AI áp dụng trong báo chí không chỉ giới hạn trong việc viết bài hay biên tập nội dung. Mà có thể sử dụng nhằm nắm bắt hành vi người dùng, từ đó có thể đưa ra các nội dung phù hợp với bạn đọc. Điều này không chỉ giúp độc giả được tiếp cận với nhiều nội dung hơn mà còn giữ chân họ ở tại tờ báo được lâu hơn. Con đường mà báo chí phải đi là đồng hành cùng công nghệ”, Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tồn tại của báo chí truyền thông xưa nay gắn liền với hai yếu tố là công nghệ và công chúng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngoại trừ quân sự, báo chí truyền thông là lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ. Cách đây 7 - 8 năm, đã có những cuộc trao đổi về việc liệu mạng xã hội có đánh dấu chấm hết cho các loại hình báo chí truyền thống hay không và đến nay là sự tồn tại của Chat GPT.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, một điều may mắn là công chúng của báo chí là con người. Đó là điều quan trọng bởi dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn có một chỗ dựa cho báo chí là công chúng.

“Con người là một vũ trụ rất phức tạp, họ có nhiều mong muốn, yêu cầu và dễ thay đổi, vì thế, điều báo chí lựa chọn làm là phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định với công chúng rằng mạng xã hội là khó kiểm định. Cuối cùng, công chúng vẫn phải quay về giá trị cốt lõi là tính chính xác của thông tin, giá trị đạo đức và nhân bản trong thông tin. Công chúng sẽ tự cân bằng giữa việc tìm đến mạng xã hội và trở về với báo chí...”, PGS.TS Đặng Thị Thu  Hương chia sẻ.

Cùng ngày, Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”

Xoay quanh vấn đề hoạt động báo chí trong thời đại công nghệ, Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”

Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, xoay quanh vấn đề hoạt động báo chí trong thời đại công nghệ, Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”.

Thông tin tại Tọa đàm, Nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn Ban Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho rằng, dù ở bất kỳ thời kỳ nào, tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo cũng không bao giờ thay đổi. Công nghệ số càng phát triển, trách nhiệm của nhà báo càng lớn hơn.

“Nội dung và công nghệ luôn phải song hành. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung báo chí đương nhiên phải có chất lượng tốt để có bạn đọc. Khi có nội dung tốt thì cần phương tiện truyền thông để giúp lan tỏa”, Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Đông đảo khách mời tham gia Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”

Đông đảo khách mời tham gia Tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”

Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi, công chúng ở đâu thì báo chí ở đó. Hiện nay có câu hỏi rằng, có nên tách biệt giữa nội dung và công nghệ không, tôi cho rằng nội dung tốt là vua, còn công nghệ là nữ hoàng. Người làm nội dung phải nghĩ đến công nghệ. Ở trên thế giới cũng có rất nhiều nhà báo làm tốt cả 2 khía cạnh này, nhiều cơ quan để có sức mạnh thì cũng phải kết hợp nội dung và công nghệ.

Đồng quan điểm với Nhà báo Hồ Quang Lợi về tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo không bao giờ thay đổi, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị - Nhà báo Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, với tính chiến đấu của người làm báo, những bài báo thời nào cũng phải cống hiến, phải truyền tải thông tin hữu ích tới độc giả. Trước đây công cụ hỗ trợ ít, năng suất làm báo thấp, mỗi phóng viên, nhà báo trong một tuần có thể chỉ viết được 2 bài, hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, một tuần có thể viết được 4 bài, năng suất làm báo hiện nay lớn hơn nhiều.

Bên cạnh những yếu tố tích cực mà kỷ nguyên số mang lại, tại Tọa đàm các chuyên gia cũng lưu ý, công nghệ làm cho thế giới thay đổi, sự ra đời của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết. Đối với bản thân người làm nghề phải nhận thức rõ, báo chí gióng lên hồi chuông để công nghệ không "giết chết" cảm xúc của con người, nhà báo.