PV Oil cho biết hiện có 4 nhà đầu tư chiến lược đã gửi thư xác nhận đăng ký tham giá đấu giá sau khi hoàn thành bước thẩm định đầu tư với số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,86 lần số lượng chào bán.
4 nhà đầu tư "tranh nhau"
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM ngày 20/4/2018 về dự thảo Quy chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, trong đó hé lộ về tình hình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của PV Oil ở thời điểm hiện tại.
“Hiện nay có 4 nhà đầu tư chiến lược đã gửi thư xác nhận đăng ký tham gia đấu giá (sau khi hoàn thành bước thẩm định đầu tư) với số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,86 lần số lượng chào bán”, phía PV Oil cho biết.
Trước đó, hôm 25/1, PV Oil đã chào bán thành công gần 20% cổ phần thông qua đấu giá ra công chúng (IPO) và song song đó, đang xúc tiến việc chào bán 44,72% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án được duyệt.
Cũng vào tháng 1/2018, ông Cao Hoài Dương – Tổng giám đốc PV Oil cho hay tổng công ty này đã nhận hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của 6 tổ chức nước ngoài gồm Shell, Idemitsu, Puma, Kuwait Petroleum International (KPI), PTT, SK (Hàn Quốc); và 2 tổ chức trong nước gồm Quỹ đầu tư Sacom và Tập đoàn Sovico.
Như vậy, hiện mới chỉ có một nửa số nhà đầu tư gửi hồ sơ đăng ký qua được vòng thẩm định và gửi thư xác nhận đăng ký tham gia đấu giá. Dù vậy, với lượng đăng ký mua ấn tượng trên, phiên chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của PV Oil nhiều khả năng sẽ thành công về lượng bán và mức giá.
Được biết, giá khởi điểm cho mỗi cổ phần PV Oil dự kiến là 20.196 đồng. Lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462,5 triệu cổ phần, tương đương 44,72% vốn điều lệ PV Oil.
Về thời gian chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg, thời hạn yêu cầu hoàn thành việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của PV Oil là 3 tháng kể từ ngày phê duyệt Phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, quyết định nói trên cũng cho phép trường hợp không thể hoàn thành trong thời gian quy định, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Ngày 26/3/2018, Hội đồng Thành viên PVN đã có công văn báo cáo Bộ Công Thương tình hình triển khai công tác cổ phần hóa PV Oil, đồng thời đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận kéo dài thời gian hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thêm 4 tháng.
Ngày 10/4/2018, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả bán cổ phần lần đầu và đề xuất điều chỉnh phương án cổ phần hóa PV Oil, trong đó có nội dung kéo dài thời gian hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đến cuối tháng 7/2018.
PV Oil có gì?
Theo bản công bố thông tin, PV Oil hiện nắm giữ 22% thị phần kinh doanh xăng dầu với hệ thống phân phối bao gồm 540 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và 3.000 đại lý. Petrolimex nắm giữ 48% thị phần với 2.400 cửa hàng trực thuộc và cũng có 3.000 đại lý. Cùng với đó, PV Oil còn triển khai các hoạt động kinh doanh phi xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ như rửa xe, thay dầu nhớt, cafe, cửa hàng tiện lợi… Hoạt động này có thể mang lại dòng tiền mặt dồi dào và lợi nhuận đáng kể bền vững. Bên cạnh đó, PV Oil còn có tiềm năng cung cấp nhiên liệu bay (JET A1) tại các sân bay. Ngành vận tải hàng không của Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, nhưng hiện tại chỉ có hai nhà cung cấp nhiên liệu hàng không là Skypec và Petrolimex Aviation. Thực tế mở ra cơ hội lớn cho PV Oil tham gia và lĩnh vực kinh doanh này.
Cũng theo bản công bố thông tin, PV Oil là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam tổ chức tiếp thị và thực hiện dịch vụ ủy thác xuất bán dầu thô Việt Nam và dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác tại các mỏ nước ngoài với sản lượng bình quân 15 triệu tấn/năm và là đơn vị cung cấp toàn bộ dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm từ nguồn trong nước và nhập khẩu.
Về hệ thống khách hàng, PV Oil có hệ thống phân phối bán buôn trực tiếp cho các nhà thầu dầu khí, các nhà máy điện thuộc PVN và các đơn vị sản xuất trong các ngành điện than, xi măng, sản xuất thép, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải với sản lượng tiêu thụ chiếm khoảng 18 - 20% tổng sản lượng của PV Oil.
Tuy nhiên, "ông lớn" ngành xăng dầu này cũng có điểm yếu khi tỷ trọng của PV Oil ở kênh tiêu thụ trực tiếp chưa cao, phụ thuộc vào kênh bán buôn đại lý (60%); độ bao phủ của hệ thống cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM còn mỏng; hệ thống kho phân bổ không đồng đều, dư thừa sức chứa cục bộ và bộ máy quản lý còn cồng kềnh, mô hình tổ chức còn bất cập.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này còn khá "khiêm tốn" khi tổng lợi nhuận từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2017 của PV Oil còn chưa đủ bù cho khoản lỗ ròng gần 1.400 tỷ đồng của năm 2014. Tính đến 30/6/2017, PV Oil vẫn còn khoản lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng.