Việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần PVI (PVI) sẽ được thực hiện trong năm 2018. Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Vạn Thuận, TGĐ PVI khẳng định: Chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cỗi lõi là “chìa khoá” để thực hiện thành công chiến lược kinh doanh cũng như lộ trình PVI đã đặt ra.
Ông Bùi Vạn Thuận, TGĐ PVI cho biết: Năm 2017, tổng doanh thu hợp nhất của PVI ước đạt 8.953 tỷ đồng, hoàn thành 102,81% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 700 tỷ đồng, hoàn thành 121,10% kế hoạch năm. Riêng về kết quả kinh doanh Công ty mẹ, tổng doanh thu ước đạt 743 tỷ đồng, hoàn thành 125,16%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 475 tỷ đồng, hoàn thành 152,76% kế hoạch năm. Cổ tức dự kiến chi trả tối thiểu là 12%.
- Mặc dù hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh năm do Tập đoàn và ĐHĐCĐ giao, nhưng nếu xét trên bình diện rộng hơn, năm 2017 vừa qua, PVI vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu tái cấu trúc, tăng vốn, chưa nới được room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%, thưa ông?
Trong năm 2017, PVI đã chủ động và chuẩn bị triển khai thực hiện tái cơ cấu PVI theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam(PVN) và Chính phủ. Bởi, tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ giúp PVI có cơ hội nâng hạng tín nhiệm. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các nhà đầu tư ngoại cũng giúp PVI mở rộng thị trường nước ngoài.
Lý do khách quan là những vướng mắc về điều kiện ngành nghề kinh doanh và lộ trình thoái vốn nhà nước.
Tuy nhiên, theo lộ trình việc thực hiện thoái vốn của PVN tại PVI sẽ phải được thực hiện trong năm 2018. Vì vậy, muộn nhất trong quý I/2018 sẽ phải trình phương án và đến quý II/2018 sẽ phải phê duyệt được phương án thoái vốn. Việc lựa chọn đối tác ngoại hay trong nước sẽ được tính toán kỹ đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
- PVN thoái vốn tại PVI sẽ tác động như thế nào đến chiến lược phát triển kinh doanh của PVI trong tương lai, thưa ông?
Về mặt tình cảm, dù Tập đoàn có thoái vốn tại PVI hay không thì thương hiệu PVI luôn là một phần trong lịch sử phát triển PVN, sẽ vẫn mãi nằm trong “trái tim” của Tập đoàn. Tuy nhiên về lý trí, về định hướng chiến lược thì PVI đã có đủ nền tảng, năng lực cạnh để tranh bình đẳng với các doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước đối với các dự án của ngành dầu khí nói riêng và lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nói chung. Bởi trên hết, cùng với quá trình hoàn thiện của khung khổ pháp lý, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải tuân thủ theo các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật đấu thầu và các quy định pháp luật hiện hành. Những “rào cản kỹ thuật” đang dần bị gỡ bỏ và các doanh nghiệp bảo hiểm đều có cơ hội bình đẳng trên thị trường. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ, kinh nghiệm, uy tín mới là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp.
Với chiến lược, xây dựng PVI trở thành một định chế Tài chính - Bảo hiểm chuyên nghiệp, thương hiệu quốc tế, phát triển bền vững dựa trên nền tảng tri thức, công nghệ, PVI đã thành công trong việc chuyển hoá lợi thế là thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thành nguồn lực, sức mạnh. PVI cũng đã thiết lập được một tổ hợp cổ đông chiến lược gồm PVN, tập đoàn Talanx, OIF (Quỹ đầu tư chính phủ Oman) với tiềm lực tài chính mạnh. Đặc biệt, PVI đã thay đổi mô hình quản trị, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đồng thời thay đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo khả năng phát triển bền vững cho toàn hệ thống PVI.
Năm 2017, PVI được vinh danh trong danh sách “30 doanh nghiệp minh bạch nhất HNX 2016-2017” do Sở GDCK Hà Nội (HNX) bình chọn; được tạp chí Forbes danh tiếng thế giới phiên bản tiếng Việt bình chọn trong danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2017” và danh sách “40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam 2017”.
Trong lĩnh vực Bảo hiểm phi nhân thọ, hiện PVI giữ vững và duy trì vị trí số 1 thị trường về bảo hiểm công nghiệp và hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ. Thực hiện thu xếp hiệu quả các chương trình tái bảo hiểm cho thị trường Bảo hiểm Việt Nam. Qua đó, PVI đã tham gia bảo hiểm ở hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, các công trình trọng điểm quốc gia cũng như vươn ra bảo hiểm cho các Tập đoàn nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam.
Chúng tôi tự tin vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cỗi lõi để thực hiện thành công chiến lược kinh doanh cũng như lộ trình đã đặt ra.
- Là năm bản lề trong chiến lược phát triển của PVI, mục tiêu 2018 của Tập đoàn đề ra là gì, thưa ông?
Những kết quả của năm 2017 một lần nữa khẳng định PVI đã đi đúng hướng và tái cấu trúc thành công. Chiến lược đầu tư đúng và mở rộng không gian kinh doanh sang các lĩnh vực bổ trợ cho bảo hiểm như: tái bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư... Đồng thời, khẳng định uy tín, năng lực và thương hiệu PVI trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp bảo hiểm trong và ngoài nước.
Năm 2018, PVI đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 9069 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc đạt 6.948 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 587 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 620 tỷ đồng. Đảm bảo tỉ lệ chi trả cổ tức tối thiểu là 12%.
Về định hướng chiến lược, PVI tiếp tục tạo ra các lợi thế mới dựa trên sức mạnh của đối tác đồng hành, nguồn nhân lực và năng lực quản trị, công nghệ… đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời tăng cường, đẩy mạnh kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tiếp tục nâng cao công tác quản trị hệ thống minh bạch- hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!