Sau gần 3 năm đóng cửa vì kém hiệu quả, thua lỗ, tính đến hết tháng 6 năm 2018, PVTex đã nhìn thấy lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn trăm bề.
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, nhà máy đã sản xuất bán được hơn 500 tấn sợi DTY chất lượng thương mại và đã xuất bán hơn 300 tấn cho các doanh nghiệp dệt trong nước, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng và lợi nhuận chi phí cố định là 0,21 tỷ đồng (đạt 140% kế hoạch).
Đã có lợi nhuận dù chưa cao
Theo đề án xử lý các tồn tại yếu kém mà Chính phủ thông qua, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ được ưu tiên chọn 3 phương án, gồm khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án PVTex chuyển nhượng công ty. Trong trường hợp cả hai phương án trên không thành công sẽ xem xét cho phá sản công ty theo quy định của pháp luật.
Sau khi cân nhắc các yếu tố như tình hình thị trường, khách hàng, các phương án trả nợ…, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) đã quyết định cho vận hành trở lại nhà máy, bắt đầu bằng 3 dây chuyền DTY. Thành công của 3 dây chuyền thử nghiệm, hãng quyết định vận hành toàn bộ nhà máy vào ngày 18/4 vừa qua trong sự chờ đợi của nhiều bộ ngành, đơn vị chức năng.
Việc đưa vào vận hành chính thức và cho ra sản phẩm theo PVN là giải pháp cấp bách và tối ưu nhất vào thời điểm này. Bởi hiện nay giá xơ sợi đang ở mức từ 230-240 USD/tấn, cao hơn nhiều so với chu kỳ đáy là 140 USD/tấn (thời điểm năm 2014) cũng như so với giá thành sản xuất là 185 USD/tấn.
Theo báo cáo mới nhất từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), ngay sau khi nhận lệnh giải cứu nhà máy, PVN và các đơn vị thành viên trong ngành Dầu khí thường xuyên huy động nhân sự đến hỗ trợ PVTex thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ, nhằm duy trì trạng thái tốt nhất về mặt kỹ thuật cho các máy móc thiết bị, dây truyền và công nghệ…
Bộ Công Thương “đau đầu”
PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỉ đồng). Tháng 5.2014, PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kinh doanh thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17.9.2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.
Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỉ đồng, lỗ 1.085 tỉ đồng. Năm 2016 nhà máy dự định vận hành trở lại nhưng không thành công và đóng cửa từ đó đến nay. Phương án cho phá sản nhà máy từng được cấp có thẩm quyền tính tới nếu việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp này không thành công.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây cho biết, sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện các biện pháp thoái vốn Nhà nước ra khỏi dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, đây là một dự án rất đau đầu, đã phải xem xét đến trách nhiệm hình sự trong vụ án của những cá nhân liên quan. Đến nay doanh nghiệp đã ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm của nhà máy với các đối tác nước ngoài và đã đưa nhà máy vận hành trở lại hoạt động. Từ nay đến cuối năm sẽ từng bước đưa cả ba dây chuyền đi vào hoạt động. Như vậy, sẽ bù được biến phí và hoạt động có hiệu quả.