Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của CTCP Đường Quảng Ngãi (UPcom: QNS) năm 2019 không quá lạc quan, nên giá cổ phiếu QNS chưa thể bứt phá mạnh mẽ trong ngắn hạn.
Niên vụ 2018 – 2019 là niên vụ thứ ba liên tiếp, các doanh nghiệp mía đường trong nước chịu sự tác động tiêu cực từ giá đường giảm mạnh và áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý 2/2019 của QNS với doanh thu đạt 2.028 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 366 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, QNS ghi nhận doanh thu đạt 4.028 tỷ đồng, giảm 1% và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 521 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu mảng đường của QNS trong 2019 giảm chủ yếu do giá đường và sản lượng tiêu thụ giảm. Trong khi đó, mảng sữa đậu nành ghi nhận doanh thu tăng 13% trong 2019 do giá bán tăng và giá nguyên liệu đầu vào diễn biến thuận lợi.
Trong khi đó, QNS vẫn đặt kế hoạch kinh doanh thấp như những năm trước, theo đó doanh thu năm 2019 dự kiến đạt 8,4 nghìn tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 199 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức thực hiện của năm 2018 là 1.240 tỷ đồng. Do đó, sau hai quý đầu năm 2019, QNS đã dễ dàng vượt 2,6 lần kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
10:51, 26/12/2018
12:15, 27/10/2017
15:20, 22/08/2019
08:00, 03/04/2018
13:00, 28/08/2017
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của QNS trong năm 2019 không quá lạc quan do tăng trưởng của mảng sữa đậu nành khó bù đắp sự sụt giảm của mảng đường. Mặc dù công ty đã tung ra các sản phẩm sữa đậu nành mới như Fami Canxi, Fami Go, giúp tiêu thụ của mảng này phục hồi, nhưng tăng trưởng doanh số cũng chỉ ở mức một con số. Trong khi đó mảng đường gặp bất lợi về thời tiết và cạnh tranh gay gắt khiến cho giá bán cũng như sản lượng tiêu thụ giảm; lượng tiêu thụ trong 2019 cũng dự kiến giảm mạnh do tồn kho ở mức thấp.
"Ở mức giá hiện tại, QNS đang giao dịch ở P/E dự phóng là 8,4x (EPS dự phóng là 3.650 VND). Stock Rating của QNS ở mức 64 điểm, cho thấy cổ phiếu này chưa bước vào giai đoạn chu kỳ tăng trưởng bền vững. Giá cổ phiếu QNS đang đối mặt với vùng kháng cự ngắn hạn 30.800 – 31.000đ/cp, và nếu QNS vượt được vùng kháng cự này thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể mở rộng về mức 34.500đ/cp", ông Minh nhận định và cho biết thêm, khối lượng giao dịch của QNS đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây và xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu này chỉ thích hợp cho các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn.
Theo phân tích kỹ thuật, thanh khoản cổ phiếu vượt xa ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng của bước giá. Tuy nhiên, các chỉ số ADX, RSI, MACD... chưa cho thấy cổ phiếu QNS hình thành xu hướng tăng rõ nét, nếu như vẫn ở dưới mức 34.000 - 35.000đ/cp trong ngắn hạn.
Yuanta Việt Nam cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh mức 980 điểm trong vài phiên tới. Điểm tiêu cực là áp lực bán có chiều hướng gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã rơi vào trạng thái quá bán, cho thấy lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng ở nhóm cổ phiếu này, nhưng đây chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư đã tỏ ra bi quan hơn và tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là cơ cấu lại danh mục để giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Theo Yuanta Việt Nam, chỉ số VN-Index có mức hỗ trợ 976,64 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiến hành cơ cấu lại danh mục, đặc biệt là tận dụng nhịp hồi phục kỹ thuật ở nhóm vốn hóa nhỏ để hạ tỷ trọng cổ phiếu ở nhóm này. Tỷ trọng khuyến nghị ngắn hạn: 45% cổ phiếu/55% tiền. Tỷ trọng khuyến nghị trung hạn: 45% cổ phiếu/55% tiền.