Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Năm thứ ba liên tiếp ngành mía đường gặp khó, sắp tới thêm Hiệp định ATIGA là thêm một đòn giáng mạnh vào doanh nghiệp mía đường vốn sức cạnh tranh đã yếu ớt.
Từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%.
“Bầm dập” vì đường lậu
Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sơn La cho biết, giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan do ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của Thái Lan dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ giá, bảo hộ trá hình.
“Sự cạnh tranh bất bình đẳng đấy được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay. Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. 2 năm vừa qua, việc buôn lậu gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn, trắng trợn, công khai đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì thay thế”, ông Việt Anh nói.
Tại doanh nghiệp này, những bao đường đang xếp thành đống cao ngút, những băng chuyền cho các chuyến hàng lớn đang nằm bất động vì không được sử dụng, lượng tồn kho ước tính gần 40.000 tấn đường trị giá 500 tỷ đồng.
Cũng trong tình cảnh tương tự, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa hiện cũng tồn kho khoảng 15.000 tấn đường (hơn 170 tỷ đồng).
Báo cáo của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, niên vụ năm 2018-2019 công ty chỉ ép được gần 591.700 tấn mía, giảm gần 38%, sản lượng mía ép giảm hơn 37% và lượng đường thu được hơn 50.500 tấn, giảm 43,5% so với niên vụ trước đó. Thực tế này khiến Mía đường Cần Thơ phải dừng sản xuất Nhà máy Đường Vị Thanh từ tháng 7/2019.
Trước đó, Nhà máy Đường Hiệp Hòa (Long An) đóng cửa mà không thông báo trước, Nhà máy Đường Bình Định ngưng hoạt động nhiều tháng qua. Số liệu cập nhật mới nhất trong năm 2019, số lượng nhà máy đường trên cả nước là 36 nhà máy. Trong đó, bởi những khó khăn kể trên mà hiện có đến 17/36 nhà máy sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Số còn lại đa số chỉ hoạt động cầm chừng nên rất khó dự đoán chính xác còn bao nhiêu nhà máy sẽ trụ lại được trong niên vụ 2019-2020 và những cái tên nào sẽ tiếp tục làm dày hơn danh sách các nhà máy mía đường ngưng hoạt động thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
11:22, 16/08/2019
05:06, 15/08/2019
11:01, 17/06/2019
10:19, 04/06/2019
05:07, 06/04/2019
Giãn ATIGA là không đủ
Với thực tế này, doanh nghiệp lo ngại hơn khi Hiệp định thương mại ATIGA sẽ là “quả tạ” quyết định “xoá sổ” các doanh nghiệp mía đường trong nước. Bởi việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là "không thể trì hoãn được nữa".
Điều này có nghĩa, sau ngày 1/1/2020 đường trợ giá của Thái Lan với mức giá dự kiến 8.000 – 9.000 đ/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Các nhà máy đường trong nước muốn tồn tại phải hạ giá theo đường Thái Lan, đồng nghĩa với thua lỗ sẽ nặng hơn và đóng cửa nhiều hơn.
“Bởi giá thành sản xuất mía tại Việt Nam quá cao (50 USD/tấn) khó lòng cạnh tranh với các nước sản xuất đường khác, như Thái Lan là 30 USD/tấn, Brazil chỉ 16 USD/tấn và Úc chỉ có 18 USD/tấn”, GS.TS. Võ Tòng Xuân nhận định.
Thực tế, ATIGA đã được trì hoãn suốt 2 năm và Hiệp hội mía đường (VSSA) tiếp tục gửi đơn kiến nghị xin trì hoãn. Trong công văn của VSSA gửi bộ Công thương cũng đề cập rằng, cam kết ATIGA có hiệu lực khi các khúc mắc trong hệ thống sản xuất, tiêu thụ đường Việt Nam chưa được giải quyết dẫn đến việc các doanh nghiệp đường, các hộ gia trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phải phá sản quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc tiếp tục xin trì hoãn được xem là khó trì hoãn và không phải giải pháp căn cơ để cứu vãn ngành mía đường. Về lâu dài, cần có một giải pháp căn cơ, với những chính sách hỗ trợ tốt hơn Chính phủ đối với ngành đặc thù này.
Nói như TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), việc lùi thời hạn thực thi ATIGA là khá phức tạp vì chúng ta đã lùi một lần rồi. “Cần cẩn trọng và đánh giá, phối hợp với các giải pháp cấp bách khác cần làm ngay, ví dụ như chống buôn lậu, gian lận thương mại trong ngành đường, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp”, TS. Võ Trí Thành nói.
Theo ông, các đơn vị có liên quan phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức. “Theo tôi cần tìm hiểu các tác động về vấn đề xã hội từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, đánh giá năng lực các nhà máy, đặc biệt là các đơn vị đang gặp khó khăn. Vấn đề dài hạn là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam chứ không phải chỉ lùi thời hạn thực thi hiệp định một hay nhiều năm”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.