Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy đa số các doanh nghiệp đào tạo lại lao động vì chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Nhà trường và doanh nghiệp phải là một
Hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang bước đầu gắn với nhu cầu doanh nghiệp; chương trình đào tạo từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh và mở thêm nhiều ngành nghề mới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đã qua đào tạo còn thiếu kỹ năng làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ.
Nghiên cứu của VCCI mới đây cho thấy, chỉ có khoảng 47% doanh nghiệp đánh giá cơ sở GDNN có chất lượng đào tạo tốt. Vì chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu nên có 76,8% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 74,5% doanh nghiệp lớn tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.
Về phần mình, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin, năm 2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thành lập Tổ công tác gắn kết doanh nghiệp. Thành viên là lãnh đạo các cục vụ và đại diện VCCI hoạt động tích cực đến nay, liên quan vấn đề rà soát thể chế cơ chế chính sách, tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
“Chúng tôi xác định đào tạo để giành cho chính doanh nghiệp nên câu chuyện nhà trường và doanh nghiệp phải là một chứ không phải tách bạch như hiện nay” – ông nói – “Hiện nay, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa hài long là vấn đề chúng tôi trăn trở. Trong định hướng phát triển sắp tới của giáo dục nghề nghiệp vấn đề gắn kết doanh nghiệp là yếu tố trọng tâm”.
Nghị quyết 67 của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp định hướng 2030 đã xác định gắn kết doanh nghiệp là 1 trong 3 đột phá. Theo phân công của Thủ tướng đơn vị đang xây dựng Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 tầm nhìn 2045 xác định 1 trong 3 giải pháp đột phá trong đó giải pháp gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động là giải pháp đột phá.
“Mối quan tâm của doanh nghiệp là mối quan tâm của chúng tôi là chất lượng nguồn nhân lực” - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nói.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại một thực tế rằng, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đặt hàng đào tạo vì sợ phải gánh trách nhiệm, trả chi phí, cung cấp trang thiết bị, trường hợp sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu cũng phải tuyển dụng. Luật Giáo dục Nghề nghiệp quy định, doanh nghiệp tham gia đào tạo được giảm thuế, nhưng để bóc tách những khoản kinh phí liên quan đến đào tạo không dễ mà số tiền được giảm không nhiều. Ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ mỗi năm nhu cầu tuyển dụng chỉ vài chỉ tiêu cho một vị trí thì nhà trường khó có khả năng và điều kiện để tổ chức lớp đào tạo nghề kéo dài vài ba năm.
“Nếu nói nhà trường đáp ứng toàn diện yêu cầu của các doanh nghiệp thì rất khó, vì chương trình đào tạo hệ cao đẳng là 3 năm được xây dựng thông qua từ đầu. Mà, trong 3 năm đó, một số doanh nghiệp có thay đổi về công nghệ, khi sinh viên ra trường về doanh nghiệp làm việc thì phải được bồi dưỡng thêm. Hoặc, trong giai đoạn sinh viên đến doanh nghiệp thực tập theo chương trình đào tạo thì sẽ được cập nhật” – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết.
Tới việc gắn kết song hành nhà trường-doanh nghiệp
Để quá trình đào tạo lao động đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, một mô hình đang được một số trường CĐ trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện đó là hợp tác đào tạo song hành với doanh nghiệp. Với mô hình này, nhà trường đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, về phía doanh nghiệp tuyển được lao động như mong muốn, người học ra trường làm được việc ngay. Hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast đang phối hợp với các trường CĐ để đào tạo nhân lực cho ngành ô tô.
Chia sẻ về việc doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề, Giám đốc Trung tâm đào tạo của Vinfast PGS TS Nguyễn Tiến Đông khẳng định chất lượng đào tạo được nâng lên. Nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp đối với từng vị trí việc làm được thể hiện trong chuẩn đầu ra của nhà trường, từ đó trường thiết kế các môn học, modun, dự án để cho học sinh, sinh viên được học tập một cách tốt nhất. Trong quá trình học, các bạn tích lũy được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực để đáp ứng cho vị trí việc làm và đương nhiên chất lượng công việc sẽ được nâng cao.
Trước những băn khoăn của nhà trường và người học về việc được đào tạo chuyên môn sâu quá, khó có cơ hội đảm nhận vị trí khác, ông Nguyễn Tiến Đông phản hồi: Sinh viên được đào tạo trong doanh nghiệp đáp ứng được các vị trí công việc khác nhau. Giả sử trong Vinfast có vị trí kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật chất lượng, kỹ thuật bảo trì, các bạn hoàn toàn được trải nghiệm và có kinh nghiệm trong quá trình học tập để chuẩn bị tốt hơn trong giai đoạn sau. Chúng tôi trang bị cho các bạn năng lực tự học, thông quá những trải nghiệm thì sẽ có lộ trình phát triển tốt hơn.
“Các doanh nghiệp và nhà trường bắt tay đã lâu, nhưng chưa thật cụ thể, chỉ là doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến tham quan, kiến tập nhưng đó là phần kết hợp rất nhỏ. Các doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo từ thiết kế nội dung môn học, đánh giá, đáp ứng chuẩn đầu ra của doanh nghiệp là hiệu quả nhất. Các trường nên coi doanh nghiệp là khách hàng và sản phẩm là sinh viên để đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Thay vì đào tạo những gì đã có, nhà trường quan tâm đến doanh nghiệp cần gì để có sự kết hợp đào tạo cho phù hợp” – ông Nguyễn Tiến Đông đưa ra lời khuyên.
Để có nguồn nhân lực phục vụ cuộc cách mạng 4.0 cũng như đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, VCCI khuyến nghị Nhà nước xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng với cuộc cách mạng 4.0 và thiết kế chương trình đào tạo đổi mới kỹ năng nghề. Đồng thời, Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay đang làm; đầu tư cho các cơ sở GDNN chất lượng cao và các ngành nghề trọng điểm...
Ngoài ra, Nhà nước có thể thành lập những đơn vị kiểm định chất lượng để xếp hạng các cơ sở đào tạo theo các tiêu chí, từ đó doanh nghiệp có những căn cứ vững chắc hơn trong việc lựa chọn hợp tác cho mình. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước xây dựng và đẩy mạnh quá trình xã hội hóa trong quá trình đào tạo nghề và thiết lập nhiều kênh kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo.
Điều này chỉ thay đổi khi doanh nghiệp và nhà trường cùng bắt tay phát triển chương trình đào tạo và thời điểm thực tập thì người học đến doanh nghiệp thực tập.
Hình thức hợp tác khác, doanh nghiệp có hợp tác cơ sở giáo dục nghề nghiệp chia 3 loại doanh nghiệp Nhà nước, ngoài Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Về hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp, TS Vũ Xuân Hùng cho biết, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN. Trong đó tập trung vào các giải pháp như:
Thứ nhất, lập đề nghị Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo, mở rộng danh mục này có chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia.
Thứ hai, phối hợp Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp tham gia GDNN.
Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề nghiệp.
Thứ tư, đánh giá kết quả thí điểm Hội đồng kỹ năng nghề của ngành du lịch-Khách sạn, nông nghiệp, ban tư vấn đào tạo Logistics,... hoàn thiện chính sách về thành lập và hoạt động của hội đồng tư vấn cấp quốc gia, ngành, địa phương.
Có thể bạn quan tâm
03:03, 29/12/2022
11:10, 11/12/2022
12:39, 20/08/2022
04:00, 23/09/2021