Quản lý tài nguyên nước: Chỉ có 3% nước dùng cho sinh hoạt

NGUYỄN VIỆT 20/06/2023 21:29

Quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam chưa hiệu quả, lợi nhuận trên một mét khối nước rất thấp.

>>Hệ thống pháp luật tài nguyên nước còn bất cập, chồng chéo

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh tại cuộc Tọa đàm “Quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước”, chiều tối 20/6.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, tổng lượng nước của chúng ta nhiều nhưng có tới 81% dùng cho nông nghiệp và 11% là nuôi trồng, như vậy tới 92% là dùng cho ngành nông nghiệp, chỉ có 3% nước dùng cho sinh hoạt và 5% dùng cho công nghiệp.

Từ các số liệu đã cho thấy, nếu không tiến hành điều tra khảo sát tốt, không phân định mục đích sử dụng sẽ rất khó quản lý. Việc quản lý nguồn nước hiện nay cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên có sự liên quan tới nhiều bộ khác, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý thủy lợi, công trình thủy điện do Bộ Công Thương quản lý, giao thông đường thuỷ do Bộ Giao thông Vận tải.

Trong bối cảnh như vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước không chỉ đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tế của cuộc sống mà còn triển khai Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước. “Nếu chúng ta không quản lý nguồn nước tốt thì không thể bảo đảm an ninh nguồn nước”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, Việt Nam may mắn hơn một số quốc gia khác là đang có sẵn nguồn tài nguyên, và không phải trải qua những cuộc chiến tranh để bảo vệ tài nguyên ấy. “Nhưng đó là trong quá khứ, còn tương lai nếu biến đổi khí hậu, ô nhiễm tăng cao, những vấn đề như nước nằm ngoài lãnh thổ... không có phương án quản lý tốt và sớm thì không thể quản lý một cách bền vững”, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ.

Đánh giá về quy hoạch tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng một trong những nội hàm của an ninh nguồn nước là phải sử dụng công bằng chứ không phải chỉ có chống ô nhiễm. Không phải chỉ đảm bảo về số lượng nước mà còn phải sử dụng công bằng.

Như vậy, muốn có công bằng thì cần một cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương để phân định ra cho các ngành nghề như giao thông, thủy sản, nông nghiệp... để các địa phương sử dụng sao cho phù hợp, đặc biệt là những nguồn nước liên tỉnh hay nguồn nước sinh hoạt được lấy từ nước thủy lợi.

>>Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Vẫn còn khoảng trống về tuần hoàn tài nguyên nước

>>Còn chồng chéo pháp luật tại Dự thảo Luật Tài nguyên nước

Toàn cảnh cuộc toạ đàm.

Toàn cảnh cuộc toạ đàm.

“Nước thủy lợi đôi khi tốt nhưng sẽ không tốt nếu nguồn nước lấy từ nơi có  nhiều thuốc trừ sâu, bón phân quá mức… Nước từ thượng lưu chảy vào hạ lưu nếu sử dụng làm nước sinh hoạt thì sẽ rất nguy hiểm. Nguồn nước để cho tưới tiêu, nguồn nước sinh hoạt phải khác nhau”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Mặc dù nước ta được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp cộng với việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên nước trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp.

Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa; sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh; tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước.

Theo thống kê, hiện nay, cả nước có trên 900 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 70,000 công trình gồm 6.750 hồ chứa nước, gần 20,000 trạm bơm, gần 300.000 km kênh mương và hàng chục ngàn km đê sông, đê biển.

Việc quản lý nhà nước từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ phát triển thủy lợi chiếm một tỷ lệ rất lớn trong quản lý nguồn nước. Do vậy, nếu không làm rõ và phân định chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động do sự chồng chéo về nhiệm vụ.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đây là dự án luật không chỉ được cộng đồng các doanh nghiệp mong đợi mà còn được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm bởi sự kỳ vọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ban soạn thảo, Chính phủ cũng có cơ hội để làm rõ các vấn đề có nhiều ý kiến chưa thống nhất, vẫn còn nhiều băn khoăn. Với tầm quan trọng của tài nguyên nước trong đời sống xã hội, sự đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, mọi tầng lớp nhân dân sẽ là tư liệu quý báu để khi Luật ban hành sẽ tạo được nguồn lực quan trọng thật sự nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Vẫn còn khoảng trống về tuần hoàn tài nguyên nước

    04:00, 25/05/2023

  • Hệ thống pháp luật tài nguyên nước còn bất cập, chồng chéo

    15:54, 15/03/2023

  • Còn chồng chéo pháp luật tại Dự thảo Luật Tài nguyên nước

    03:30, 11/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quản lý tài nguyên nước: Chỉ có 3% nước dùng cho sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO