"Cổng trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý" hiện đang được xây dựng trở thành một hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin về môi trường.
Đây là biện pháp sử dụng phần mềm hoạt động trên môi trường Internet để quản lý hệ thống trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp với cơ quan quản lý được Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường đang hoàn thiện.
"Cổng thông tin tích hợp thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý" hoàn thành sẽ có thêm cơ sở để giúp các nhà quản lý biết và tránh được sự trùng lặp nội dung, tăng khả năng trao đổi nắm bắt thông tin, khai thác dữ liệu, có thể kế thừa và phát triển dữ liệu từ các dự án, nhiệm vụ đã thực hiện”.
Phần mềm sẽ tương tác với cơ sở dữ liệu (CSDL) tích hợp, trao đổi thông tin hai chiều, các nhóm lớp thông tin nền, nhóm thông tin về môi trường tổng hợp, nhóm thông tin về quan trắc môi trường (không khí, nước), nhóm lớp thông tin về phản ánh, kiến nghị và cảnh báo môi trường, nhóm thông tin về truyền thông môi trường, nhóm thông tin văn bản pháp quy về môi trường (cụ thể trong phần xây dựng CSDL).
Nguyên tắc hoạt động dựa trên trao đổi thông tin hai chiều về môi trường và thu nhận phản ánh kiến nghị về môi trường. Viêc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân các vấn đề môi trường quan tâm theo biểu mẫu xây dựng sẵn, trong đó chứa các thông tin cơ bản về người phản ánh, vấn đề môi trường gây bức xúc, truy vấn thông tin về môi trường…
Kiểm soát thông tin tiếp nhận của người dân, doanh nghiệp bằng các công cụ của phần mềm, bảo đảm tính an toàn, bảo mật, điều tra, phân tích, tổng hợp, đối chiếu thông tin thu nhận đảm bảo tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình thực tế. Trung tâm Thông tin làm đầu mối trong việc xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, duyệt phương án trả lời, trong trường hợp cần thiết sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục để chủ trì xử lý vụ việc, phân công cho các Cục chức năng giải quyết các phản ánh, thắc mắc của người dân. Việc phản hồi có thể theo từng vấn đề môi trường cụ thể hoặc theo chuyên đề về môi trường xây dựng theo từng năm, theo sự kiện môi trường và chỉ đạo khác của Lãnh đạo tổng cục.
Từ những thông tin thu nhận, thông tin hiện có của cơ quan quản lý nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, những vấn đề môi trường nóng, sự cố môi trường, những dự án, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, thông qua hệ thống truyền thông đa phương tiện sẽ cảnh báo cho cộng đồng dân cư về nguy cơ ô nhiễm, tình hình ô nhiễm, hướng giải quyết và khắc phục. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ cảnh báo nguy cơ việc gây ô nhiễm môi trường theo lĩnh vực sản xuất, đối với đơn vị gây ô nhiễm sẽ cảnh báo và đề nghị biện pháp khắc phục, xử lý.
Ngoài ra với thông tin nhận được từ cá nhân, tổ chức, đơn vị quản lý sẽ sử dụng các chức năng GIS để phân loại và xác định “hot spot” của vùng ô nhiễm, từ đó đưa ra chiến lược xử lý và truyền thông một cách hiêu quả, kịp thời. Dựa trên công cụ phân tích, tổng hợp không gian của GIS và kiến thức chuyên gia, trong những năm tới các đơn vị quản lý có thể lập ra các mô hình dự báo, các giải pháp phòng ngừa nguồn ô nhiễm và đưa ra quyết định ngừng hoạt động với cá nhân, đơn vị gây ra nguồn ô nhiễm.
Có một thực tế là hiện nay các vấn đề môi trường đang được cả xã hội quan tâm, song thông tin và các kênh thông tin mang tính đơn giản và thiết thực đối với người dân chưa nhiều cũng như chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, việc “Xây dựng hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý qua truyền thông đa phương tiện” là nhiệm vụ cần thiết và cần được thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Việc xây dựng hệ thống, cơ chế hoạt động trên các phương tiện truyền thông sẽ mang lại những giá trị đích thực về thông tin cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đồng thời trở thành công cụ hữu hiệu cho các cấp quản lý và nghiên cứu tham khảo và đề ra các chính sách thích hợp trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể của xã hội.