Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh- Chuyên gia về Quản trị Công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, công tác quản trị tại doanh nghiệp Việt Nam đang có thay đổi...
Bà có nhận định gì về công tác quản trị công ty ở Việt Nam thời gian qua?
Tôi tham gia IFC từ cách đây hơn 9 năm và cũng làm về công tác quản trị công ty. Phải nói rằng, trong thời gian qua, quản trị công ty ở Việt Nam đã có những bước tiến khá tốt.. TTCK Việt Nam hiện được coi là một trong những thị trường phát triển nhất khu vực, đến thời điểm này có 700 doanh nghiệp niêm yết. Chất lượng công bố thông tin đã đi lên rõ rệt. Cách đây 5 năm, chỉ có 30 công ty có báo cáo bằng tiếng Anh, được chọn tham gia đánh giá, đến 2018 đã có 70 công ty.
Việt Nam có khối lượng doanh nghiệp niêm yết lớn nhưng chất lượng quản trị công ty được coi là vẫn yếu so với các nước trong khu vực?Ý kiến của bà về vấn đề này?
Công tác quản trị tại doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi nhưng so với các nước trong khu vực vẫn xếp thấp nhất. Thẻ điểm quản trị trung bình ASEAN của Việt Nam năm 2018 với 70 công ty niêm yết là 41,3/130 điểm. Trong khi đó, thẻ điểm quản trị điểm của Thái Lan và Indonesia lần lượt là 87,5 và 62,3.
Công tác quản trị của các doanh nghiệp khi lên sàn có thay đổi nhưng quy mô thị trường tăng lên. Tuy nhiên, các nước khác theo đuổi các chuẩn mực cao hơn. Dù các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều công ty niêm yết vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của của công tác quản trị trong huy động vốn và quản trị dòng tiền nên khủng hoảng là điều dễ hiểu...
Thưa bà nhiều ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp làm báo cáo “đẹp” nhưng chất lượng thông tin không phản ánh đúng thực trạng, khiến nhà đầu tư quan ngại?
Báo cáo quản trị công ty là một yêu cầu bắt buộc trong báo cáo thường niên của các công ty niêm yết. Báo cáo này khiến nhà đầu tư nắm nhiều thông tin về công ty, như thành viên HĐQT, họ là ai, đã tham gia những công ty nào trên thị trường. Trong HĐQT có những ủy ban nào, có bao nhiêu thành viên độc lập, bao nhiêu thành viên điều hành, các quan hệ với kiểm toán nội bộ, kiểm toán bên ngoài… Đó là những thông tin phi tài chính cho biết công ty đó đang được điều hành và hoạt động như thế nào.
Theo thông lệ quốc tế, thành viên HĐQT độc lập có vai trò rất lớn. Rất nhiều công ty đại chúng, niêm yết tại thị trường như Indonesia, Malaysia, họ quy định ít nhất 50% thành viên độc lập để giám sát về tài chính, hoạt động công ty. Nếu không đáp ứng, công ty phải công bố lý do tại sao. Như vậy, tính tự giác sẽ được thay đổi. Tại Việt Nam hiện có bao nhiêu công ty có thành viên HĐQT độc lập đáp ứng Nghị định 71/CP?
Vinamilk là một ví dụ. Vinamilk từng chỉ có 1 thành viên HĐQT độc lập. Tại HĐCĐ tháng 4/2017, doanh nghiệp đã quyết định thay đổi mô hình, xóa bỏ ban kiểm soát, thành lập ủy ban kiểm toán HĐQT.
Theo thông lệ quốc tế, Ủy ban kiểm toán cần có đa số thành viên là độc lập, chủ tịch là thành viên độc lập. Theo luật Doanh nghiệp, ít nhất 20% là thành viên độc lập. Vinamilk lúc đó bổ nhiệm thêm 2 thành viên độc lập để đảm bảo yêu cầu.
Nhìn lại các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam, số lượng công ty làm được việc đó như Vinamilk không nhiều. Để bắt kịp thông lệ quốc tế là quá trình rất dài đối với các doanh nghiệp VN.
Vậy theo bà để doanh nghiệp hoạt động tốt công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư thì cần phải làm gì?Để giải quyết các vấn đề cốt lõi của công tác quản trị Công ty, vậy IFC đã có những sáng kiến gì, thưa bà?
Tôi muốn chia sẻ quan điểm thêm rằng quản trị công ty là cốt lõi của vấn đề, giúp các công ty có chất lượng công bố thông tin tốt hơn.Thực tế, IFC đã nghiên cứu một số trường hợp công ty cụ thể của Việt Nam đã thất bại trên thị trường chứng khoán.
Bản cáo bạch của họ khi IPO rất tốt , chúng tôi thấy cơ cấu HĐQT của họ không có thành viên độc lập. Chủ tịch công ty, chủ tịch HĐQT cũng là người sở hữu lớn, có nhiều người thân trong HĐQT.
Tuy nhiên, đây không phải tình trạng chỉ có ở Việt Nam. Tôi nghĩ đó là tình trạng chung không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
Trong Sáng kiến quản trị công ty Việt Nam từ tháng 12/2016, IFC đã phối hợp với 2 sở GDCK, với sự hỗ trợ của các tổ chức như UBCK Nhà nước, qua đó, thành lập VIOD. Trong một năm qua, VIOD đã có nhiều chương trình nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức về quản trị công ty, nhận được sự tham gia của các thành viên HĐQT các công ty.
Chúng tôi rất vui khi có sự kết nối của nhiều tổ chức trong sáng kiến. Hiện đã có 2 sở giao dịch, UBCK Nhà nước, các Big4 kiểm toán, quỹ đầu tư... và hệ thống sẽ được mở rộng hơn nữa trong tương lai. Hy vọng đây sẽ là những giải pháp giúp cho tình hình quản trị của các doanh nghiệp VN hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn…
-Xin cảm ơn Bà