Câu chuyện hộ chiếu mẫu mới của ngành Công an có thể truyền cảm hứng, nhân rộng ra trong quảng bá du lịch, văn hóa của quê hương đất nước.
Xu thế toàn cầu hóa cùng với sự phát triển diệu kỳ của khoa học kỹ thuật đã làm thế giới trở nên thật gần gũi và ngày càng xích lại gần nhau hơn. Mối hợp tác giao lưu quốc tế nở rộ trên mọi lĩnh vực cùng bước phát triển của du lịch đã đẩy mạnh nhu cầu tìm hiểu nền văn hóa của các quốc gia khác.
Để phát triển nền kinh tế xanh nói riêng và quảng bá hình ảnh đất nước nói chung, rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã biết tận dụng tất cả các phương tiện, cơ hội lớn nhỏ để quảng bá du lịch trong đó có thông qua thể thao, điện ảnh và truyền thông…
Vậy đất nước và con người Việt Nam như thế nào trong con mắt, trái tim của bè bạn bốn phương? Đó là câu hỏi canh cánh trong lòng của những người Việt mỗi khi có dịp phiêu du nơi xứ bạn hay lúc bạn sang chơi xứ mình. Chúng ta có gì để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh con người, đất nước mình để sau mỗi chuyến thưởng ngoạn, khám phá, Việt Nam sẽ mãi là vùng đất lưu luyến, vấn vương trong lòng bè bạn.
Đặc biệt, du lịch nước nhà đã trải qua giai khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Hai năm qua, đại dịch đã đẩy du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam xuống “vực thẳm”: Thị trường và các hoạt động hoàn toàn đứt gãy, đình trệ, các chỉ tiêu sụt giảm nghiêm trọng, tăng trưởng về con số 0 thậm chí âm.
Thời điểm đó, có đến 90-95% số doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động hoặc phải cắt giảm phần lớn nhân sự, người lao động buộc phải chuyển nghề khác; hầu hết các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch ở các địa phương phải hoãn hủy, tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Sau những nỗ lực đồng lòng và quyết tâm đó, cùng quyết liệt hành động của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương định hướng, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, hoạt động du lịch nội địa và quốc tế chính thức bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
6 tháng đầu năm 2022, du lịch Việt Nam đã đón 413 nghìn lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 60,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265 nghìn tỷ đồng. Dữ liệu từ Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch (tăng từ 50% đến 75%).
Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.
Để du lịch phục hồi một cách diệu kỳ đó, hòa chung sự quyết tâm và đồng lòng khôi phục nền kinh tế sau đại dịch của Chính phủ, chúng ta phải tận dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế. Ngoài ngành du lịch với những chiến lược cụ thể, cũng đòi hỏi các cấp các ngành liên quan chung tay thực hiện với tinh thần “việc không của riêng ai”. Và câu chuyện hộ chiếu mẫu mới của ngành Công an có thể truyền cảm hứng mà nhân rộng ra trong quảng bá du lịch, văn hóa.
Bắt đầu từ tháng 7 năm nay. Bộ Công an đã cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp cho công dân Việt Nam kèm theo thay đổi đặc biệt khác từ trước đến nay, đó là quảng bá hình ảnh quốc gia ngay trên loại giấy tờ quan trọng này.
So với mẫu hiện hành, mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến. Mẫu hộ chiếu mới bìa màu xanh lá được chuyển sang xanh tím. Các thủ tục cấp, đổi vẫn giữ nguyên như hộ chiếu cũ.
Qua đó, thay đổi lớn nhất là mỗi trang đều có hình ảnh phong cảnh là các biểu tượng du lịch của Việt Nam. Các di sản văn hoá nổi tiếng, hình tượng về chủ quyền quốc gia xuất hiện trong hộ chiếu là: vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Đổi mới này góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.
Thực tế, chúng ta không chỉ giàu có những danh lam thắng cảnh hữu tình, những bãi biển thơ mộng và bình yên, những chùa chiền, nhà thờ, di tích lịch sử văn hóa; Việt Nam còn có những con người thân thiện, mến khách và có bề dày lịch sử, có nền văn hóa đầy sức mạnh mời gọi khách nước ngoài khám phá…
Chính vì thế, việc thay đổi hộ chiếu mới của ngành Công an với những danh thắng, di tích lịch sử văn hóa… của đất nước gói gọn trong đó, không chỉ đơn thuần tuyên truyền du lịch, mà nó cũng là một cách gián tiếp khẳng định chủ quyền quốc gia, chủ quyền văn hóa của dân tộc.
Điều này cũng có nghĩa, ngay từ gốc rễ của vấn đề là mọi người, mọi ngành phải nỗ lực xây dựng quê hương đất nước ngày càng đổi mới, phát triển bền vững và đúng hướng, cần phải thể hiện tình yêu đất nước bằng những công việc cụ thể, dù là nhỏ nhất và không ngừng giới thiệu quê hương đất nước với du khách gần xa mỗi khi có cơ hội.
Nói cách khác, dù sống ở nơi đâu, chúng ta vẫn phải có lòng tự trọng cá nhân, tự hào của dân tộc Việt. Hãy nhớ rằng: Để quảng bá hình ảnh Việt Nam và nhất là để giữ thể diện quốc gia, không chỉ là trách nhiệm của những công dân đang sinh sống tại quê hương mà phải ở bất cứ nơi đâu, của tất cả mọi người dân Việt. Từ mỗi cá nhân trong cộng đồng người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài, từ những việc làm tưởng như nhỏ nhất.
Thành thử, câu chuyện hộ chiếu mới là một khởi sắc mới cần ghi nhận và có thể truyền cảm hứng mà nhân rộng ra trong quảng bá du lịch nói riêng, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước nói chung. Đồng thời đó cũng là một kênh gián tiếp khẳng định chủ quyền vốn có của dân tộc đất nước với bạn bè quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 10/07/2022
03:30, 10/07/2022
01:00, 10/07/2022
00:04, 10/07/2022
14:54, 09/07/2022
00:30, 09/07/2022
22:12, 07/07/2022
04:10, 07/07/2022