Quy hoạch tỉnh Quảng Bình xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho kinh tế Quảng Bình.
>>Quảng Bình: "Hút" 112.000 tỷ đồng cam kết đầu tư
Đây là chia sẻ của ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023 tổ chức ngày 25/6 tại Hà Nội.
>>Quảng Bình: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Ông Thắng cho biết, 4 trụ cột trong phát triển kinh tế của Quảng Bình là du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.
Cụ thể là, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Kêu gọi đầu tư vào sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo để sớm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế; Cùng với đó là tận dụng lợi thế để phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển.
Bên cạnh đó, 2 trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu kinh tế Hòn La, với mục tiêu trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Còn lại, 3 trung tâm đô thị là Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười.
Trung tâm đô thị phía bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa. Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh, gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Tỉnh Quảng Bình xác định yếu tố quan trọng cuối cùng trong “công thức đột phá” của tỉnh chính là 3 hành lang kinh tế, bao gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía đông.
"Đây sẽ là những động lực tăng trưởng quan trọng để Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc miền Trung trong thời gian tới", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh.
“Với trọng tâm xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “phục vụ doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, ngành, Quảng Bình đã và đang nỗ lực thay đổi toàn diện, căn bản môi trường đầu tư, bảo đảm để nhà đầu tư, doanh nghiệp “đến là làm”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và sự phát triển ổn định.” - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khẳng định.
Qua đó, ông Vũ Đại Thắng cũng bày mong muốn Quảng Bình sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành tích cực để tỉnh vững tin triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, cùng nhau biến các ý tưởng của doanh nghiệp, nhà đầu tư thành hiện thực, xây dựng Quảng Bình thành nền kinh tế năng động của miền Trung.
Có thể bạn quan tâm
15:42, 25/06/2023
15:25, 24/06/2023
15:12, 24/06/2023
10:03, 24/06/2023
15:18, 22/06/2023