Tỉnh Quảng Nam lên kế hoạch hỗ trợ để phát triển nhà ở xã hội cũng như hỗ trợ các đối tượng được giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình việc ban hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Cụ thể, địa phương muốn hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai; tạo quỹ đất sạch, để chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời, sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án (bao gồm dự án có phân kỳ đầu tư đã được cấp thẩm quyền chấp thuận), gồm: Hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống quản lý chất thải rắn, hệ thống vệ sinh công cộng (trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong tòa nhà) nhưng không quá 10,0 tỷ đồng/dự án.
Trước tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam, Ban kinh tế - Ngân sách (Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam) cũng đã có văn bản thẩm tra về vấn đề này, cụ thể, từ khi ban hành Nghị quyết đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi, đồng thời, căn cứ ban hành Nghị quyết đã hết hiệu lực. Do vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn là cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai và thu hút nhà đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu giải quyết về nhà ở cho người dân, nhất là công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, từng bước hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch đề ra.
Cũng theo Ban Kinh tế - Ngân sách, dự kiến tổng kinh phí thực hiện nghị quyết khoảng 416 tỷ đồng từ nguồn thu quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại và các nguồn vốn hợp pháp khác. Từ đó, UBND tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo rà soát, huy động các nguồn vốn, đảm bảo cân đối nguồn thực hiện nghị quyết, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, nội dung, thực hiện nghiệm thu, thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài việc trình Nghị quyết hỗ trợ, đầu tháng 12/2024, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quyết định quy định việc hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn. Theo đó, quyết định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2024.
Để triển khai phương án, tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện quyết định. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã xác nhận vào giấy tờ chứng minh điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội và giấy chứng minh điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Qua ghi nhận của phóng viên, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội hoàn thiện đưa vào sử dụng. Duy nhất chỉ có 1 khu nhà ở công dân của Công ty Panko Quảng Nam ở Khu công nghiệp Tam Thăng đi vào hoạt động.
Còn lại 2 dự án khác về nhà ở xã hội của Công ty TNHH BĐS Châu Âu tại huyện Điện Bàn và huyện Núi Thành dự án nhà ở công nhân xã Tam Hiệp của Công ty Cổ phần Danatol chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt hơn, dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty CP STO tại Điện Nam - Điện Ngọc đang xây dựng dở dang sau 1 thập kỷ và đang trong diện bị thanh tra. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển, đầu tư xây dựng NOXH cho công nhân khu công nghiệp đến 2030 ước đạt khoảng 19.600 căn.
Vừa qua, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Thanh tra tỉnh và các đơn vị liên quan ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện theo các nhóm dự án cần tập trung giải quyết. Cụ thể, nhóm dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục (Khu thu nhập thấp số 2, 3, 4, 5, Khu nhà ở xã hội trong KTM Chu Lai,...), nhóm dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (Khu nhà ở công nhân Panko,...), nhóm dự án thuộc quỹ đất nhà ở thương mại (KDC An Phú, Khu đô thị Thanh Hà, KDC dọc tuyến đường Điện Biên Phủ, Khu đô thị Cồn Tiến,...
Đồng thời, Sở này phải chủ động hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư nghiên cứu bố trí diện tích nhà ở xã hội đáp ứng được nhu cầu gắn với phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh theo định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguyên nhân là do tiến độ thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn chậm. Do đó, cần phải tích cực rà soát, làm rõ các điểm nghẽn, nghiên cứu giải quyết sớm các vướng mắc các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.