Với Kế hoạch hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023, tỉnh Quảng Nam đang dành nhiều sự ưu tiên cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.
>>“Xanh hóa” ngành du lịch Quảng Nam
Theo kế hoạch của tỉnh Quảng Nam, trong năm 2023 địa phương này sẽ tập trung triển khai 10 nội dung chính nhằm hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, tỉnh Quảng Nam sẽ chú trọng vào các nội dung thường xuyên về đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo cố vấn khởi nghiệp, đánh giá ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo,….
Cùng với đó, tỉnh này sẽ tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động của Năm quốc gia khởi nghiệp - Quảng Nam 2023 theo kế hoạch riêng của Bộ Khoa học - công nghệ và UBND tỉnh. Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam sẽ đào tạo 20 giảng viên giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức 16 lớp tập huấn kỹ năng phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức chương trình “Sinh viên Quảng Nam tại Huế với khởi nghiệp sáng tạo”…
Hơn hết, địa phương sẽ hỗ trợ một số nội dung liên quan phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh (theo Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh). Trong đó, hỗ trợ 120 ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo đã được công nhận tham gia Năm quốc gia khởi nghiệp - Quảng Nam 2023.
Đồng thời, hỗ trợ 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng và tỉnh bạn. Hỗ trợ 30 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xây dựng chương trình truyền thông, tuyên truyền, quảng bá điển hình khởi nghiệp thành công.
Trao đổi về công tác hỗ trợ khởi nghiệp, ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Quảng Nam cho hay tỉnh đã khởi động xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp vào Quý I năm 2017. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra địa phương đều đã hoàn thành, có chỉ tiêu đến năm 2025 cũng đã hoàn hành.
“Mô hình khởi nghiệp Quảng Nam là mô hình khởi nghiệp tích hợp với slogan “Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiêp sáng tạo”. Chúng tôi đã công nhận 106 ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, có vài dự án tạm dừng, chưa theo đuổi tiếp ước mơ của mình. Cái khó khăn, thách thức lớn nhất là các startup là không theo đuổi đến cùng đam mê và khát vọng của mình. Mọi sự hỗ trợ của nhà nước hay của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sẽ không hiệu quả, nếu cộng đồng startup nửa với. Khó khăn nữa là các bạn lại ngại học, không học bơi sao bơi được và bơi giỏi”, ông Phạm Ngọc Sinh chia sẻ.
Ông Sinh cũng cho biết, mục tiêu cuối cùng của Hệ sinh thái là xây dựng một tinh thần, khát vọng vươn lên làm ăn, phát huy lợi thế của địa phương mình, sáng tạo để nâng tầm và hội nhập sản phẩm địa phương. Trong tương lai, hình thành nên một lớp doanh nhân giàu năng lượng, sáng tạo và đam mê góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.
Ở góc độ doanh nghiệp khởi nghiệp, anh Đinh Công Đức, Chủ cơ sở sản xuất Mắm nhĩ Cửa Đại cho hay quá trình khởi nghiệp luôn mang lại các bài học kinh nghiệm cho mỗi đơn vị. Và hơn hết, khi doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ từ địa phương, cộng đồng trong hệ sinh thái sẽ có thêm động lực, vững bước trong hành trình phát triển của mình.
“Thông qua các chương tình hỗ trợ của địa phương, start up sẽ mạnh dạn phát triển dự án của mình và được quảng bá rộng rãi thông qua các diễn đàn, ngày hội,... Đích đến cuối cùng của khởi nghiệp đó là hình thành thương hiệu, lưu thông sản phẩm rộng rãi trên thị trường. Đặc biệt, đối với các sản phẩm truyền thống thì rất cần nhận được chứng nhận sản phẩm OCOP để tiếp tục mở rộng thị trường, cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp”, anh Đức cho biết.
Có thể bạn quan tâm