Kinh tế địa phương

Quảng Nam tạo động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững

Tuấn Vỹ 04/05/2025 1:37

Quảng Nam chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm và góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước,...

Có thể thấy, trong các yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương thì doanh nghiệp giữ vị trí rất quan trọng.

Đa dạng loại hình doanh nghiệp

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chú trọng phát triển các loại hình doanh nghiệp. Nhờ đó đã cung cấp đa dạng các hàng hóa và dịch vụ, thu hút nguồn vốn trong dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đặc biệt là góp phần tăng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam.

img_5188.jpg
Tại Quảng Nam hiện đã có doanh nghiệp "đầu tàu", đây là thuận lợi để nhiều doanh nghiệp khách đến cùng hợp tác, phát triển.

Giai đoạn 2016 – 2020, khu vực kinh tế tư nhân của Quảng Nam đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, huy động vốn đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân bình quân ít nhất đạt từ 12.000 ti đồng đến 14.000 tỉ đồng mỗi năm. Điều này cho thấy tiềm năng về vốn đầu tư của tỉnh Quảng Nam là không hề nhỏ. Do đó, các chuyên gia cho rằng tỉnh Quảng Nam cần tăng cường khai thác những tiềm năng của tỉnh để phát triển nhiều hơn nữa các loại hình doanh nghiệp.

Nghiên cứu về vấn đề này, TS Võ Thiện Chín - Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại tỉnh Quảng Nam cho rằng địa phương cần có định hướng phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; Doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản; Doanh nghiệp thuộc công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng,... Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm; sản xuất đồ uống, đá xây dựng, than, bột thạch anh, cát khuôn đúc, Felspat. Nghiên cứu, khai thác, sử dụng nguồn khoáng sản phóng xạ (Uranium) tại tỉnh Quảng Nam,...

“Tỉnh Quảng Nam có địa hình và kết cấu địa chất phức tạp, khí hậu tương đối khắc nghiệt. Do đó cần ưu tiên phát triển doanh nghiệp tập trung vào các vùng đất trống, đồi trọc nhằm tăng độ phủ xanh, cải tạo những vùng đất sản xuất không hiệu quả chuyển sang sản xuất các loại cây trồng khác hiệu quả hơn, phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững chính là góp phần bảo vệ tốt môi trường tự nhiên, không làm thay đổi hệ cân bằng sinh thái và phá hủy cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, phải thường xuyên chú ý giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, TS Chín kiến nghị.

Ngoài ra, vị này cũng đề xuất Quảng Nam đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành dệt - may - da giày, dệt vải; Doanh nghiệp thuộc những làng nghề và các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp hay các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ như xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ thương mại; Doanh nghiệp dịch vụ vận tải và các loại hình dịch vụ công cộng khác; Doanh nghiệp về du lịch với các loại hình như: du lịch biển, thắng cảnh, du lịch văn hóa,... Trong quy hoạch và kêu gọi đầu tư, TS Chính cho rằng Quảng Nam cũng cần chú ý đến thế mạnh của các loại hình doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp khác có ưu thế về vốn, kỹ thuật cần được quy hoạch, sắp xếp trong các ngành sản xuất và dịch vụ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm cao thân thiện với môi trường. Những ngành công nghệ cao mà nguồn nguyên liệu, linh kiện phải nhập ngoài nên quy hoạch ở những nơi công nghiệp tập trung như khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai,....”, TS Võ Thiện Chín khuyến nghị.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng giải pháp cụ thể

Ngoài đề xuất của các chuyên gia, trong nhiều năm qua tỉnh Quảng Nam cũng đã tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hành động cụ thể. Nhiều vấn đề về pháp lý, thủ tục hành chính (TTHC), kiến nghị về miễn, giảm thuế, lãi suất,... cũng được liên tục triển khai.

ĐT 3 (1)
Từ các chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã chọn Quảng Nam làm điểm đến đầu tư.

Hay mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã ký phê duyệt Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát và thực hiện ngay việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết theo thẩm quyền.

Chủ động giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC. Cùng với đó, 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; 100% TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong từng cơ quan hành chính nhà nước được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, thời gian giải quyết, chi phí thực hiện và sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy, đồng thời bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Song song, Quảng Nam cũng sẽ hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc phân cấp, uỷ quyền theo quy định; Nghiên cứu thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính dựa trên ứng dụng công nghệ, tái sử dụng dữ liệu. Đồng thời, sẽ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo thẩm quyền.

Trong nhiều lần trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Văn Dũng luôn khẳng định địa phương luôn đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững với 4 khâu đột phá gồm Hoàn thiện hệ thống hạ tầng; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Nâng cao nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội; Nâng cao năng lực khoa học công nghệ. Cùng với đó, Quảng Nam cũng đã đề ra danh mục dự án ưu tiên đầu tư nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực để hiện thực khát vọng phát triển.

“Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình nghiên cứu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch Quảng Nam nhấn mạnh.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho hay thời gian qua chính quyền địa phương đã có nhiều động thái quyết liệt đễ hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, các khó khăn, vướng mắc với các nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, du lịch đã được chú trọng.

“Từng bước các vướng mắc đang dần được tháo gỡ, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh để cùng chung tay đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà”, ông Trần Quốc Bảo chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam tạo động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO