Quảng Nam xác định phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch xanh tạo lợi thế cạnh tranh thu hút khách du lịch.
Năm 2025, ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu đón được khoảng 8.400.000 lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Phát triển du lịch hài hòa
Quảng Nam có nguồn tài nguyên dồi dào với 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Di tích Mỹ Sơn, có khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghề trồng rau Trà Quế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,.... tạo đà để du lịch địa phương “cất cánh”. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn nằm ở trung điểm của Việt Nam, cửa ngõ kết nối với các nước trong Tiểu vùng Mê Công và ASEAN, nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây cùng với lợi thế về kết nối giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không với các nước trong khu vực – hội đủ yếu tố để là trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Đặc biệt, du lịch xanh trong những năm gần đây đã và đang là một xu hướng phát triển tất yếu của du lịch toàn cầu, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của khách du lịch, của các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam. Từ năm 2019, tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu đưa ra thông điệp nhất quán về phát triển du lịch xanh, hướng đến yếu tố bền vững và sau đó trở thành địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh.
Hơn 05 năm qua, Quảng Nam vẫn đang nỗ lực đưa ngành du lịch địa phương phát triển theo định hướng du lịch xanh, nhờ đó, các điểm đến tại Quảng Nam đã và đang ngày càng thu hút du khách, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Đồng thời, góp phần thực hiện Du lịch Net zero theo lộ trình cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, ngành du lịch là nền tảng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững.
“Phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường”, ông Triết khẳng định.
Thông tin Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, du lịch nông nghiệp - nông thôn tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết các địa phương toàn tỉnh, hiện nay có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động rất hiệu quả như Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, Làng mộc Kim Bồng (Hội An), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu (Nam Giang)…
“Ước tính, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ngày 14/11/2024 tại Colombia, Quảng Nam vui mừng và vinh dự nhận được giải thưởng của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc công nhận Làng rau Trà Quế thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024”, ông Triết cho hay.
Xác định rõ giải pháp
Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam thực sự “cất cánh”, ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt, công tác đầu tư cho sản phẩm cần được thực hiện bài bản, có chiều sâu và mang lại nét riêng biệt để thu hút khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch Quảng Nam thời gian tới ngành sẽ tực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư tại các điểm du lịch nông thôn, đảm bảo không phá vỡ cảnh quan, môi trường. Đặc biệt, sẽ hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, thu hút nhà đầu tư các sản phẩm du lịch nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ sản phẩm du lịch này.
Song song với đó, ông Hồng cho biết ngành du lịch sẽ thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Quảng Nam cũng sẽ tiếp tục triển khai cụ thể các chính sách hỗ trợ đã ban hành có liên quan để thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng xanh, bền vững, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng thiết yếu phục vụ khách du lịch như hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà đón tiếp, trưng bày,...
“Đặc biệt, ngành sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch đi đôi với giáo dục về du lịch tại cộng đồng dân cư. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn gắn với gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, các làng quê, làng nghề ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch như cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước,... và tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối đưa du khách đến tham quan, lưu trú, mua sản phẩm”, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết.
Theo ông Vũ Tuấn Anh – Phó Tổng giám đốc Công ty Dr.SEM Tư vấn Tái cấu trúc và chuyển đổi số - Trưởng dự án Du lịch xanh, Quảng Nam cần xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn phù hợp đáp ứng nhu cầu khách. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể du lịch nông nghiệp tiếp cận được thị trường, đặc biệt phải có những sản phẩm du lịch phù hợp.
“Trước hết cần thiết kế ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp để khách hàng trải nghiệm, bỏ tiền ra chi tiêu”, ông Anh đề xuất.
Theo vị này, du lịch nông thôn cũng chính là thực hiện những hoạt động kinh doanh, kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, thiên nhiên và lợi ích cộng đồng. Do vậy, địa phương cần phải có tầm nhìn và sức mạnh để phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là hỗ trợ các làng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và tiếp cận thị trường.