Trong bối cảnh nguồn vốn bố trí thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế
Quảng Ngãi xác định rõ danh mục một số công trình, dự án hạ tầng giao thông quan trọng, mang tính đột phá để đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016- 2020. Thời qian qua, Quảng Ngãi đã nỗ lực huy động nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đưa vào sử dụng hàng loạt công trình trọng điểm như mở rộng QL1 (giai đoạn 1); nâng cấp, mở rộng QL24; hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; triển khai hoàn thiện dự án đường ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh (giai đoạn 1)… Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã nhựa hoá, cứng hoá 386/405,95km đường tỉnh (đạt 95,08%), qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Giao thông đi trước mở đường
Xác định “giao thông đi trước mở đường”, năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Km 1027 - Km 1045+780 (đoạn Dốc Sỏi-VSIP), cảng Bến Đình, nâng cấp tuyến Sơn Hà - Sơn Tây, đường nguyễn Công Phương (giai đoạn 2), đồng thời khởi công mới các dự án: Nâng cấp, mở rộng tuyến Quảng Ngãi -Thạch Nham (giai đoạn 2), Quảng Ngãi – Nghĩa Hành, Quán Lát – Đá Chát, đập dâng sông Trà Khúc. Để thực hiện có hiệu quả công tác phát triển giao thông vận tải, ngành GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, đoạn Km 23+300 - Km57+170 và Đường Tịnh Phong - Cảng Dung Quất II, đoạn từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến Quốc lộ 1 từ nguồn vốn kết dư của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi đang kêu gọi đầu tư ODA đối với các trục đường quan trọng như: Đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện vùng Tây Quảng Ngãi (Ba Tơ – Minh Long – Sơn Hà); Nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh ĐT.624, đoạn Nghĩa Hành-Minh Long;...
Với mục tiêu như vậy, ngay trong quý I/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án: Nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.624B (Quán Lát - Đá Chát) và Tuyến đường nối từ đường ĐT.623B vào khu vực dự án Khu sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn suối nước nóng Nghĩa Thuận. Đối với kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ bố trí năm 2017 chuyển sang năm 2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 1294/UBND-TH ngày 14/3/2018 gửi Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo danh mục dự án thuộc kế hoạch năm 2017 vốn ngân sách Trung ương có nhu cầu kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2018, trong đó có dự án Cầu Cửa Đại.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo triển khai các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn 2; hoàn thiện hồ sơ dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc để trình cấp thẩm quyền thống nhất phương án thiết kế công trình, đồng thời lập dự án đầu tư xây dựng cầu Trà Khúc mới để thay thế cho cầu Trà Khúc cũ.
Ngoài ra, ngành GTVT Quảng Ngãi cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến vận tải thuỷ Sa Kỳ-Lý Sơn và Đảo Lớn-Đảo Bé, đồng thời triển khai dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe lưu động tại các xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã miền núi và hải đảo, rút ngắn thời gian cấp đổi giấy phép lái xe.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Để thực hiện các dự án trên, kế hoạch vốn bố trí cho Ban QLDA trong năm 2018 là 748.000 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 136.000 triệu đồng, ngân sách Trung ương là 42.000 triệu đồng, vốn trái phiếu chính phủ là 550.000 triệu đồng và vốn khai thác quỹ đất là 20.000 triệu đồng. Riêng đối với phần vốn kéo dài từ năm 2017 sang năm 2018 là 49.995 triệu đồng, hiện nay, mới chuyển được kế hoạch vốn của dự án đường Nguyễn Công Phương, giai đoạn 2 là 10.483 triệu đồng.
Theo ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông của Quảng Ngãi là rất lớn. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn bố trí thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế và tiến độ công tác bồi thường, GPMB rất chậm và kéo dài. Việc huy động các nguồn lực khác ngoài nguồn vốn ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp, kêu gọi xã hội hoá trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được nhà đầu tư quan tâm do cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn, thủ tục còn rườm rà, kéo dài thời gian thực hiện. Chính vì vậy, trên cơ sở kế hoạch đầu tư trung hạn 2016- 2020, tỉnh đã xác định danh mục các dự án theo thứ tự ưu tiên ngay từ đầu kế hoạch 5 năm, từng năm, nhằm chủ động bố trí vốn đầu tư và kêu gọi đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ đó tạo sự nhất quán về quan điểm xác định danh mục một số công trình, dự án hạ tầng giao thông quan trọng, mang tính đột phá để đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016- 2020. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đổi mới công tác quản lý, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kịp thời giải quyết khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án”, ông Phương nhấn mạnh.
Trong buổi làm việc với Bộ GTVT đầu tháng 3/2018, ông Phương cũng đã kiến nghị với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xem xét, tạo điều kiện nâng mức phân chia nguồn thu phí bảo trì đường bộ từ xe ô tô cho tỉnh hàng năm lên khoảng 50 tỷ đồng để sửa chữa kịp thời các tuyến đường giao thông bị hư hỏng nặng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong công tác quản lý, ông Phương kiến nghị Bộ trưởng giao cho Sở GTVT Quảng Ngãi quản lý nhà nước đối với hoạt động đường thủy nội địa tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn theo đúng quy định của luật giao thông đường thủy nội địa.
“Vấn đề kết nối hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cùng với việc thu xếp nguồn vốn, chúng tôi sẽ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đúng tiến độ và kế hoạch đề ra”, ông Phương nhấn mạnh.