Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai.
Đẩy mạnh mô hình kinh tế số
Là địa phương có sự phát triển bứt phá khi nhiều năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số, tỉnh Quảng Ninh không chỉ chú trọng vào phát triển kinh tế bền vững mà còn đẩy mạnh mô hình kinh tế số.
Theo đó, kinh tế số được địa phương này xác định là bước đột phá để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đạt 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và thực hiện hoàn toàn qua hệ thống phần mềm một cửa liên thông. Tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến cao, với hơn 98,5% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến. Địa phương này cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các mô hình kinh tế số tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện có khoảng 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng nền tảng số vào quản trị và sản xuất, giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc, đồng thời bảo vệ môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Tiểu thương kinh doanh tại chợ Hạ Long 1, TP Hạ Long, việc thực hiện công nghệ hiện đại nhất là mô hình thanh toán không dùng tiền mặt như toán qua quét mã QR code trong thời đại 4.0 hiện nay là rất nhanh chóng, tiện và an toàn cho cả người tiêu dùng và hộ kinh doanh. Người tiêu dùng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán.
Thực tế, tỉnh Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Chính quyền địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số mạnh mẽ. Việc áp dụng công nghệ số đã giúp tỉnh giảm chi phí, tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả công việc và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trước đó, tại Hội nghị ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản trị và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào tháng 4/2025, ông Vũ Đại Thắng – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp phần mềm, nền tảng và các hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ động kết nối với các cơ quan nhà nước để đề xuất, cung cấp các giải pháp, mô hình ứng dụng AI, dữ liệu số phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, phối hợp triển khai các chương trình huấn luyện thực chiến cho cán bộ, công chức, đặc biệt trong việc sử dụng công cụ AI, quản trị dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, tham gia phản biện chính sách, góp ý cho các định hướng lớn của tỉnh về phát triển dữ liệu và AI, đổi mới sáng tạo và kinh tế số.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, phía Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ tiếp tục cùng với các sở, ngành tham mưu cụ thể hoá 5 nội dung cần phải quan tâm như tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu ra. Trong đó, tiếp tục phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu và hạ tầng ứng dụng. Đồng thời, quan tâm đến các nền tảng về công nghệ nhất là công nghệ chiến lược, trong đó có nền tảng về trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới, công nghệ tạo ra giá trị gia tăng.
Khuyến khích các thành phần tham gia đổi mới công nghệ
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo năm 2030, đóng góp của kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định sẽ phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Để đạt được mục tiêu này, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số để tăng năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới.
“Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng”, ông Ấn cho biết thêm.