Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ mở ra không gian, cơ hội phát triển mới, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.
>>Quảng Ninh: Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI
Đó là nhận định của ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh. Theo ông Hải, với mục tiêu tới năm 2030, Quảng Ninh sẽ là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước thì giao thông phải “đi trước một bước”, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Giao thông tạo “cú huých” cho phát triển
Theo các chuyên gia, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại với 5 phương thức vận tải đang khai thác là đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có hệ thống đường bộ dài khoảng 6.500km; trong đó tuyến cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn dài 176km và 7 tuyến quốc lộ, 14 tuyến tỉnh lộ, hệ thống đường huyện, đường đô thị và giao thông nông thôn.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, Quảng Ninh là một trong những địa phương được đánh giá có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ kể trên, tỉnh Quảng Ninh có một tuyến đường sắt cấp quốc gia Kép - Hạ Long kết nối từ ga Kép (tỉnh Bắc Giang) đến Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long và một số tuyến chuyên dụng của ngành Than phục vụ khai thác và vận chuyển than.
Cùng với đó, toàn tỉnh có 6 khu vực hàng hải với hệ thống cảng biển được đầu tư tương đối hiện đại, như Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Ngoài ra, tỉnh có 37 tuyến luồng đường thủy nội địa, 159 cảng, bến đã được cấp phép hoạt động, gần nhất là Cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn) đưa vào sử dụng. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với quy mô cấp 4E; sân bay quân sự cấp II, công suất 2,5 triệu hành khách/năm, được đưa vào khai thác từ năm 2018 kết nối Quảng Ninh với cả nước và thế giới.
Ông Hải cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ là động lực quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh tăng trưởng nhanh, bền vững, tạo ra nhiều không gian phát triển mới, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, từ đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
“Phi địa giới” khi giải quyết các TTHC
Theo Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, hoạt động vận tải tại Quảng Ninh được đánh giá là sôi động bậc nhất miền Bắc khi hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, sở hữu đa dạng các loại hình từ đường bộ, đường thủy, đến đường hàng không. Trong đó, vận tải đường bộ nổi bật khi có tới hơn 4.000 phương tiện hoạt động ở các loại hình xe khách tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, xe taxi... kết nối hầu khắc các tỉnh phía Bắc.
Sở Giao thông vận tải với vai trò quản lý nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) “phi địa giới” cho doanh nghiệp. Do có số lượng hồ sơ giải quyết TTHC nhiều nhất tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh đã ứng dụng và thực thi hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh trong nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Từ đó, không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhân dân, doanh nghiệp mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Trung bình mỗi năm, Sở Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh có khoảng 40.000 hồ sơ TTHC ở nhiều lĩnh vực: Đường bộ, đường thuỷ nội địa, đăng kiểm... được triển khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng hồ sơ giải quyết, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Trước đây, để giải quyết số lượng lớn hồ sơ TTHC này, Sở thường bố trí 8-10 cán bộ thường trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Tuy nhiên người dân và doanh nghiệp vẫn phải đến Trung tâm, phải di chuyển xa, mất nhiều thời gian chờ đợi và tiền bạc, tình trạng quá tải, ùn tắc thi thoảng vẫn diễn ra.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh cho biết, với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, Sở đã tổ chức rà soát, phân loại, lựa chọn những TTHC phát sinh nhiều hồ sơ, có quy trình giải quyết không quá phức tạp để triển khai thực hiện sớm; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ quản lý, tra cứu, hỗ trợ; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ nhằm giảm bớt các giấy tờ có thể khai thác trên hệ thống sẵn có... Đồng thời, tiến hành đánh giá hiệu quả, nhu cầu giải quyết TTHC của công dân để triển khai tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC.
Song song với đó, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân và doanh nghiệp với mục tiêu góp phần hình thành thế hệ công dân số, thành lập các nhóm thông tin mạng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hướng tới đối tượng trẻ dễ tiếp cận CNTT nhằm xây dựng làm nòng cốt lan toả trong cộng đồng...
Với những cách làm cụ thể, phù hợp, thiết thực, đã nhanh chóng đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Minh chứng rõ nét là các TTHC được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, thực hiện trên môi trường mạng ở bất cứ đâu (ở nhà, tại cơ quan hay địa phương khác), giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, tạo sự công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực có thể phát sinh trong giải quyết TTHC. Người dân và doanh nghiệp sẽ không còn cảnh phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm thủ tục trong tình trạng quá tải, ùn tắc, phải di chuyển xa, mất nhiều thời gian chờ đợi và tiền bạc, thay vào đó môi trường được xử lý qua mạng. Điều này đã đem lại hiệu quả trong giải quyết TTHC, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đem lại sự hài lòng, tin tưởng của nhân dân.
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc công ty TNHH Phúc Xuyên (TP Uông Bí) – đơn vị vận tải khách công cộng nhiều năm tại tỉnh Quảng Ninh cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm công tác cải cách hành chính đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Điển hình là việc tổ chức họp trực tuyến, giao ban các đơn vị hành chính và doanh nghiệp từ nhiều năm trước. Theo đó, những sự việc có doanh nghiệp tham dự đều được tổ chức trực tuyến nhưng vẫn mang lại sự hiệu quả, giải đáp được nhiều kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Đây là sự đổi mới rất sớm của tỉnh Quảng Ninh, giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách nhà nước.
Ông Xuyên cho biết, mô hình hành chính công tỉnh Quảng Ninh là mô hình điển hình, được nhiều địa phương trong cả nước học tập kinh nghiệm. Trong việc giải quyết các TTHC liên quan đến doanh nghiệp vận tải, như cấp đổi phù hiệu, giấy phép lái xe,… 100% đã được thực hiện qua môi trường mạng, tuy nhiên Sở Giao thông vận tải vẫn luôn bố trí công chức trực tại Trung tâm phục vụ hành chính công. Điều này cho thấy sự trách nhiệm, tận tâm của cán bộ, công chức ngành Giao thông vận tải Quảng Ninh.
Ông Xuyên đánh giá, cách làm của Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh trong triển khai mô hình "TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính" đã cho thấy rõ những hiệu quả, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Điều này đã góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải; hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số toàn diện mà tỉnh đang tập trung thực hiện.
Ông Xuyên cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh nhận được quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi từ chính quyền tỉnh, đặc biệt đối với cơ chế vận tải khách công cộng bằng xe buýt, quyết liệt trong xử lý xe dù, xe cóc, quan tâm tạo điều kiện điểm đón trả khách. Chúng tôi mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm sát sao hơn nữa của tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông vận tải, xây dựng các điểm đón – trả khách một cách đồng bộ hơn; xem xét trợ giá cho một số tuyến buýt để khuyến khích người dân tham gia phương tiện công cộng; tránh tình trạng xe cóc, xe dù đón trả khách dọc đường, gây mất an toàn giao thông và thuận tiện cho người dân khi sử dụng phương tiện công cộng.
Có thể bạn quan tâm