Khi các nguồn lực được khơi thông thì dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước chảy về Quảng Ninh như một hệ quả tất yếu.
Cuối tháng 3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD cho Công ty Jinko Solar Hong Kong. Đây là dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay vào địa bàn các khu công nghiệp của tỉnh. Đáng chú ý, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án diễn ra trong vòng 06 ngày, sớm hơn 12 ngày so quy định về thủ tục hành chính và được tỉnh cho ý kiến chấp thuận chỉ trong 01 ngày.
Để đi đến quyết định này, ông Huang Jinxing - Tổng Giám đốc Jinko Solar tại Việt Nam cho biết, Jinko Solar đã khảo sát hơn 20 tỉnh thành, hơn 30 Khu công nghiệp ở Việt Nam. Sau khi phân tích, so sánh với nhiều Khu công nghiệp khác, Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Khu công nghiệp Sông Khoai để đầu tư.
Trước đó, Quảng Ninh cũng đã trở thành miền đất hứa, địa chỉ đỏ của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn, như: Sun Group, Vin Group, FLC, BIM, Tuần Châu, Amata, Thành Công, Foxconn,… Và điều đặc biệt là những dự án, sản phẩm của công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang được đầu tư, sản xuất tại Quảng Ninh với một kỳ vọng vô cùng lớn đem đến một nhịp độ tăng trưởng mới, đúng như định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, hình thành chính quyền kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân trong một thập kỷ qua.
Theo đánh giá của JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản), Quảng Ninh hiện là một trong những tỉnh, thành phố có lợi thế cạnh tranh nhất cả nước về thu hút đầu tư.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm hơn 24.000 tỷ đồng.
Minh chứng, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Quảng Ninh đạt 346.388 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt hơn 300.000 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư này đã tạo cho Quảng Ninh một bước nhảy vọt là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (đạt 65,5%) với 4 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình (đường bộ, đường biển và đường hàng không). Tỉnh có gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc trong toàn quốc), cảng hàng không quốc tế đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong cả nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ với hệ thống đường cao tốc, đường biển dài và sân bay quốc tế Vân Đồn. Hạ tầng thông tin cũng đang trở thành thế mạnh của Quảng Ninh khi tỉnh dành nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng thông tin, chính quyền điện tử, chính quyền số... Trước đó, lãnh đạo tỉnh đã triển khai xây dựng đồng bộ và công khai 7 quy hoạch chiến lược gồm: tổng thể phát triển kinh tế xã hội; xây dựng vùng tỉnh; nhân lực; du lịch; đất đai; môi trường và khoa học công nghệ. Đáng chú ý, hầu hết các quy hoạch đều có sự tham gia thực hiện của các tư vấn hàng đầu quốc tế như các Tập đoàn tư vấn McKinsey, BCG (Mỹ), hay các Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering-NSC và Nippon Koei (Nhật Bản).
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sự xuất hiện của các dự án công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua đã từng bước dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, phát huy hiệu quả đầu tư và đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước.
Đây là lý do vì sao ngay trong những bước khởi đầu của nhiệm kỳ mới 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã sớm ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP đạt 15% và đến năm 2030, con số này đạt 20%. Trong đó xác định, phải đạt được ba đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh…
Ðây là một trong những định hướng chiến lược, đúng đắn, kịp thời, bước đi mạnh mẽ của Quảng Ninh nhằm cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo hiện ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Quảng Ninh tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung huy động nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; cải cách toàn diện giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Qua đó xây dựng khẳng định thương hiệu, hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh Quảng Ninh thuận lợi, an toàn hấp dẫn, hiệu quả luôn mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.”- ông Nguyễn Hồng Dương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm