UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa có văn bản đình chỉ hoạt động tàu Hùng Long 66 QN-6096 trên vịnh Hạ Long do nhân viên tàu ghi hình khách du lịch tắm tráng trên tàu.
Theo đó, tàu Hùng Long 66 QN-6096 sẽ phải dừng hoạt động trên vịnh Hạ Long từ ngày 15/7 cho đến khi có văn bản chấp thuận hoạt động trở lại của UBND TP Hạ Long.
Trước đó, ngày 13/7, UBND TP Hạ Long nhận được phản ánh của đoàn khách du lịch đi tham quan vịnh Hạ Long trên tàu Hùng Long 66 QN-6096 về việc thuyền viên trên tàu có hành vi sử dụng camera của điện thoại ghi hình khách đang tắm tráng trên tàu.
Cụ thể, khoảng 17h15 phút ngày 13/7 khi anh H (một hành khách trên tàu Hùng Long QN 6096), anh đã vô tình phát hiện nhà vệ sinh trên tàu có đặt máy camera khi anh đang thay quần áo để tắm. Vì tàu nhỏ nên nhà vệ sinh đồng thời được dùng làm nhà tắm.
Được biết, tàu Hùng Long 66 do bà Lê Thị Hương làm chủ và đã hoạt động trên vịnh Hạ Long từ nhiều năm nay.
Ngay sau khi nhận được thông tin, TP Hạ Long đã yêu cầu chủ tàu dừng hoạt động tàu du lịch và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm đặc biệt liên quan đến đạo đức xã hội của nhân viên tàu du lịch.
Hiện, Công an TP Hạ Long cùng các đơn vị chức năng tiến hành xác minh, làm rõ. Đồng thời, UBND TP Hạ Long giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ vụ việc, xử lý hành vi vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả tới UBND TP trước ngày 10/8.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng, sinh hoạt cá nhân (tắm rửa, thay quần áo…) là đời sống riêng tư của mỗi cá nhân cần được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Vì vậy, sinh hoạt cá nhân được hiểu là bí mật đời tư của mỗi cá nhân. Mà đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác…
Như vậy, người có hành vi quay trộm cảnh sinh hoạt cá nhân của người khác là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bí mật đời tư – ông Thuận nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
06:06, 12/07/2019
11:00, 11/07/2019
00:33, 11/07/2019
Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội làm nhục người khác: người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, nếu người đó đăng ảnh lên mạng để phát tán chúng với mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể sẽ bị khởi tố về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) – ông Thuận cho biết thêm.