Ngày 25/12, Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội nghị nhằm kết nối các tổ chức kinh tế tham gia OCOP với các đối tác tiềm năng trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, Quảng Ninh có 131 sản phẩm đạt 3-5 sao, các sản phẩm này phần lớn đã khẳng định vững vàng về uy tín của thương hiệu OCOP đối với thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, không ít cơ sở sản xuất và địa phương do thiếu sự quan tâm đầu tư, quản lý nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu OCOP của tỉnh. Những tồn tại chủ yếu liên quan đến nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bao bì, tem nhãn, chất lượng sản phẩm.
Thực tế hiện nay vẫn còn một số đơn vị sản xuất phải đi thuê nhà xưởng, song thời gian thuê ngắn, không ổn định nên những đơn vị này không đầu tư hệ thống nhà xưởng bài bản mà chủ yếu bố trí lẫn với khu vực dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh sống của người dân. Bên cạnh đó còn 16/76 đơn vị (chiếm 20%) sản xuất ngay tại nhà ở, mặt bằng diện tích chật hẹp, vệ sinh môi trường không đáp ứng yêu cầu.
Có những đơn vị thì lại chưa thực sự quan tâm về vệ sinh công nghiệp, dẫn đến máy móc han rỉ, bám bụi dầu mỡ vừa gây mất mỹ quan vừa tiểm ẩn nguy cơ mất ATTP. Chưa kể, có những sản phẩm hiện vẫn làm theo phương thức thủ công, vừa ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vừa không đảm bảo tính chuyên nghiệp của một sản phẩm đạt sao.
Nhiều sản phẩm mặc dù đã đạt sao, song chưa dán nhãn OCOP-QN lên sản phẩm, in nhãn không đúng quy định. Ngay cả việc dán tem truy xuất nguồn gốc lên nhãn sản phẩm cũng bị coi nhẹ, chỉ dán khi đưa hàng đi bán tại hội chợ. Ngoài những bất cập xuất phát từ chính các cơ sở sản xuất, thì hiện nhiều vấn đề còn đến từ chính sự buông lỏng và thiếu quan tâm của chính quyền địa phương.
Theo bà Mai Thị Thủy, Chủ tịch Hiệp hội chả mực Hạ Long, thì đúng là hiện nay thành phố còn thiếu mọt khu tập trung chế biến cho các các sở chả mực, vì vậy các hộ chủ yếu là sản xuất ngay tại cửa hàng hoặc phải đi thuê. Điều này không những khiến giá thành tăng cao mà việc quản lý, đảm bảo vệ sinh cũng khó khăn. Chả mực là thương hiêu OCOP hàng đầu của tỉnh, nếu có bất một cửa hàng nào đó không đảm bảo, làm ảnh hưởng chúng tới thương hiệu này thì sẽ rất đáng tiếc, vì vậy thành phố nến có điểm quy hoạch chung về sản xuất cho chả mực, bà Thủy kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
06:04, 13/12/2018
11:00, 11/12/2018
09:00, 17/08/2018
Ngoài ra, một số địa phương không thực sự quan tâm đến công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX trực tiếp có mặt tại hội chợ để quảng bá sản phẩm. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chế biến ATTP còn được các địa phương thực hiện hình thức, cơ sở chưa đạt yêu cầu song vẫn cấp giấy chứng nhận.
Theo Ban nông thôn mới tỉnh, nhằm giải quyết các tồn tại trên cũng như nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi DN và địa phương trong việc phát triển OCOP, ngày 25/12 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị nhằm kết nối các tổ chức kinh tế tham gia OCOP với các đối tác tiềm năng trong và ngoài tỉnh, đảm bảo cung ứng dịch vụ đầu vào, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, mở rộng hợp tác liên kết để tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Hội nghị sẽ mời các đơn vị tham gia đối tác OCOP trong các lĩnh vực: Dịch vụ bao bì, tem nhãn; thiết bị công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực như một số trường đại học, cao đẳng, các trung tâm có chức năng đào tạo nâng cao kiến thức về quản trị kinh doanh; một số nhà khoa học có năng lực nghiên cứu kết nối với các doanh nghiệp để cải tiến quy trình công nghệ; các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn đào tạo, triển khai, chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như GMP, SSOP, HACCP, ISO, VietGap… tài chính, tư vấn cung cấp tín dụng cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP; các đơn vị cung cấp nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất; các đơn vị cung cấp dịch vụ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, Facebook, YouTube; các đơn vị xúc tiến thương mại như BigC, VinMart, Siêu thị Bách hóa xanh, các trung tâm, cửa hàng OCOP, một số nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn của một số doanh nghiệp ngành Than lớn trên địa bàn…