Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế, hướng đến phát triển xuất khẩu bền vững, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kỳ vọng lớn
Với lợi thế vị trí địa lý đắc địa, bao gồm các cửa khẩu, cụm cảng hàng không, hàng hải, khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh được xem là một cửa ngõ kết nối các liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.
Bên cạnh đó, với lợi thế là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương tốt với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi khi 7 năm liên tiếp đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số PCI. Do vậy, hoạt động xuất nhập khẩu ở khu vực các cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh rất phát triển.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lọt nhóm 10 tỉnh, thành có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất cả nước năm 2024. Cụ thể, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 18,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 7,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Than, clinker, xi măng, dăm gỗ…
Cũng trong năm 2024, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã thu hút 2.046 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn, tăng 30% so với năm 2023.
Chỉ trong những tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Ninh cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1/2025 của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 903,18 triệu USD, cán cân thương mại xuất siêu 34,54 triệu USD.
Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái, tính đến ngày 8/2, đã có 480 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua cửa khẩu, tăng 87 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại khu vực này đạt 493,56 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024. Hoạt động thông thương hàng hóa qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh cũng tăng cao ngay từ đầu năm với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 7.406.690 USD, tăng 80,4%...
Năm 2025 và những năm tiếp theo, trong xuất khẩu hàng hóa, tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Còn trong nhập khẩu hàng hóa, địa phương này định hướng tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyển sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp để tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu…
Ban hành kế hoạch cụ thể
Theo các chuyên gia nhận định, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục.
Tại Quảng Ninh, để thúc đẩy, phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, địa phương này sẽ hạn chế sự phụ thuộc vào một khu vực thị trường, khai thác hiệu quả các thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Đẩy mạnh khai thác các thị trường có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản..., hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài. Quảng Ninh sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghiệp thấp, công nghệ trung gian, tăng tỉ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.
Ông Trịnh Văn Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, năm 2025, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và các chính sách thu hút thêm nhiều doanh nghiệp mở tờ khai trên địa bàn. Đồng thời, tích cực rà soát đề xuất cắt giảm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo mục tiêu thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan. Qua đó, góp phần tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh…
Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, bền vững, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch về phát triển xuất, nhập khẩu năm 2025. Đây cũng là định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh năm 2025 đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất, nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn tỉnh tăng trên 12% so với cùng kỳ, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tỉnh cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong đó, tăng tỷ trọng vào thị trường xuất khẩu khu vực châu Á đạt khoảng 82% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024, thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu đạt khoảng 10%, thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ đạt khoảng 5%, thị trường xuất khẩu khu vực châu Phi đạt khoảng 1%, thị trường xuất khẩu khu vực khác đạt khoảng 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025.
Để hoàn thành tốt mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra một số các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng hóa bền vững cho xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giảm chi phí kho bãi, logistics. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất. Đồng thời, nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu ổn định, phát triển. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình…
Mới đây, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ ký kết nghiệm thu bàn giao nhà làm việc, trang thiết bị phòng thí nghiệm nông sản và thực phẩm (CCIC) tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, nhằm đảm bảo hàng hóa kiểm nghiệm đạt chuẩn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi thông quan, tránh những tổn thất không đáng có như: hàng bị quay đầu, hàng bị tiêu hủy… do không đạt tiêu chuẩn.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Quang Sáng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh cho biết, việc có thêm các đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm sẽ là cơ hội tốt cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng và sang các thị trường khác.
Còn theo bà Phạm Thị Hà - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ XNK Thu Hà, phía doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hoành Mô. Tại đây, lực lượng Hải quan tại Cửa khẩu cũng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp để trao đổi, hướng dẫn các chính sách, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Các thủ tục thông quan hàng hóa được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí phát sinh.