Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII, tại TP HCM
Phát biểu khai mạc ngày hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm, trong đó, mục tiêu tăng trưởng là mục tiêu quan trọng nhất để góp phần thực hiện 2 mục tiêu chiến lược này. Muốn vậy, chúng ta đã xác định năm 2025 phải đạt tăng trưởng 8%, chuẩn bị cho những năm tới tăng trưởng 2 con số.
Trong khi đó, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đang đặt ra yêu cầu, thời cơ và thách thức mới, trong đó thách thức nhiều hơn thời cơ. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... đang làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi quá trình phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số của đất nước phải nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn; đề đất nước không chỉ "bắt kịp, tiến cùng mà còn phải vượt lên".
Thủ tướng đánh giá thời gian qua, đất nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực về sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp.
Cụ thể, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Chỉ số Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam cũng tăng 2 bậc, từ vị trí 58 lên 56, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam A và thứ 12 tại khu vực châu A -Thái Bình Dương.
Hà Nội và TPHCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được thành lập trên cả nước, thu hút đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư. Năm 2024, Việt Nam thu hút 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng đánh giá qua mỗi lần tổ chức, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đều có những sự đổi mới, nhưng điều không thay đổi chính là niềm đam mê, khát vọng, nghị lực, khí thế, tinh thần quyết tâm của các bạn trẻ.
"Suốt 7 năm qua, có thể khẳng định Ngày hội khởi nghiệp không chỉ là một sự kiện thường niên, mà còn là nơi từng giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên dù là nhỏ bé nhất được soi đường, dẫn dắt, nuôi dưỡng và chắp cánh. Đây là nơi hội tụ những trí tuệ trẻ, đầy khát vọng; nơi kết nối giữa giáo dục, doanh nghiệp và chính sách; nơi cùng nhau lan tỏa, tạo ra một hệ sinh thái, không gian khởi nghiệp phát triển bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Đồng thời, Thủ tướng cho biết, Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch triển khai khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 42.000 dự án khởi nghiệp đã ra đời từ các bạn học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.500 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 480.000 lượt thanh niên tham gia với gần 23.000 ý tưởng khởi nghiệp...
Những kết quả ấy có được không chỉ nhờ sự nỗ lực của các bạn học sinh, sinh viên, mà còn là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị đã đồng hành suốt thời gian qua trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Cũng theo Thủ tướng, những thành tựu là rất đáng trân trọng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của thanh niên Việt Nam, chưa phát huy hết những giá trị đích thực, cốt lõi của thanh niên Việt Nam như truyền thống yêu nước nồng nàn, thông minh sáng tạo, hiểu học, cần cù, chịu khó, đức hy sinh, vượt qua nghịch cảnh trong bất cứ trường hợp nào, lòng tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Thủ tướng đánh giá, việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai mà là cả một chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội.
Do đó, Thủ tướng đề nghị phải tạo phong trào, xu thế, tạo nguồn lực, động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức khác nhau, sự giúp đỡ khác nhau, bằng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau.
Cùng với đó, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải mang lại lợi ích cho chính học sinh, sinh viên, cho gia đình, cho xã hội thì phong trào mới đi vào cuộc sống, góp phần phát triển đất nước và từ thành quả đó tiếp tục tạo niềm tin, động lực, khí thế mới để nâng bước cho thanh niên, học sinh, sinh viên ngày càng phát triển.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt về tài chính, sở hữu trí tuệ, kết hợp mô hình công - tư, tạo điều kiện và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên phát triển ý tưởng và đưa sản phẩm ra thị trường; phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên bằng nguồn xã hội hóa; xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương và trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường. đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa; tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn mới bảo đảm thiết thực, chất lượng.
Với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông, Thủ tướng đề nghị triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển các phòng thí nghiệm hiện đại, hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm, khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ứng dụng; phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến và tài nguyên số, bổ sung chuyên đề khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình học; kết nối doanh nghiệp và quỹ đầu tư khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới cố vấn, chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ; hỗ trợ giảng viên, học sinh, sinh viên đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm.
"Ba nhà" gồm nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp phải tăng cường kết nối. Trong đó, các doanh nghiệp hãy tích cực đặt hàng, đầu tư và đồng hành cùng sinh viên, hỗ trợ thực hành, thực tập và thương mại hóa ý tưởng; cùng nhà trường, truyền cảm hứng, đầu tư và dẫn dắt thế hệ trẻ. Nhà nước, các doanh nghiệp, ngân hàng cần hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp cả về công tác quy hoạch, vùng nguyên liệu, nguồn vốn, bao bì, mẫu mã, thị trường...
Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình "Thanh niên khởi nghiệp", nhất là khởi nghiệp sáng tạo; trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp tập trung vào 4 nhóm ngành ưu tiên chính là: công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số; công nghệ y tế, giáo dục; công nghệ môi trường và năng lượng; nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng cũng gợi ý, muốn cộng hưởng sức mạnh thì hoạt động khởi nghiệp phải đi đúng xu thế thời đại, xu hướng phát triển của đất nước, xu hướng thị trường, đồng thời phù hợp sở trường, năng khiếu, thế mạnh của mỗi người.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục là yếu tố then chốt trong việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Huy động mọi nguồn lực từ nhà nước đến khu vực tư nhân trên tinh thần "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" để tạo điều kiện tốt nhất cho những ai có khát vọng khởi nghiệp.
Đối với các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên, Thủ tướng cho biết luôn kỳ vọng các bạn, những người được sinh ra trong thời đại của khoa học công nghệ, chính là những người sẽ đóng vai trò quan trọng, với đam mê, hoài bão, sức khỏe, tri thức và năng lực, để tạo ra sự đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; góp phần đưa kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; góp phần khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng miền, địa phương để tạo sức mạnh cộng hưởng, đưa đất nước tăng tốc, bứt phá, về đích, phát triển nhanh và bền vững...
Theo Thủ tướng, thanh niên phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trong sự phát triển của đất nước, với tinh thần hài hòa lợi ích giữa cá nhân và tập thể, giữa lợi ích của chính mình với lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp; đồng thời còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước. Hãy không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng, làm chủ công nghệ và dấn thân với "tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Đây là quá trình khó khăn, cần sự kiên trì, cần tinh thần bản lĩnh vượt qua khó khăn trở ngại, cần ý chí dám nghĩ, dám làm khác biệt, dám đương đầu với thử thách, dám vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, dám chấp nhận rủi ro để kiến tạo giá trị
“Do vậy, quá trình này rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tất cả cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái, một không gian khởi nghiệp, một hệ giá trị mới kết nối cộng đồng tạo phong trào, xu thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng nhau thể hiện khát vọng vươn lên, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.