Kỳ họp Quốc hội thứ 11 diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới sẽ bầu, phê chuẩn chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước. Các lãnh đạo cấp cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Sáng nay (23/2), Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 24/3, dự kiến bế mạc vào ngày 7/4, họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội dung kỳ họp này tập trung thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội; xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán nhà nước trong 2,5 ngày.
Thời gian còn lại, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, trong đó 6,5 ngày dành cho công tác nhân sự.
Trước đề xuất bổ sung một số dự án luật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nên để lại cho Quốc hội khóa sau tiếp tục xem xét, để trong kỳ họp cuối cùng, Quốc hội tập trung kiện toàn bộ máy Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Chủ tịch Quốc hội đã giao chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác chuyển giao nhiệm vụ, kiện toàn các chức danh của bộ máy Nhà nước sau Đại hội Đảng toàn quốc”.
Bà nhấn mạnh công tác chuẩn bị cho việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo phải rất cẩn thận, từ in phiếu phải bảo đảm chính xác, an toàn đến việc kê khai tài sản của người được giới thiệu ứng cử.
Các cơ quan như Ban Công tác đại biểu, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phải cùng phối hợp phục vụ tốt cho công tác nhân sự tại kỳ họp này.
Về phía Quốc hội, bà cho biết các lãnh đạo Quốc hội (bao gồm Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội) sẽ nghỉ theo quy định. Vì vậy, phải kiện toàn trước các chức danh lãnh đạo, sau đó kiện toàn đến các vị trí khác, nhằm đảm bảo tính liên tục, kế thừa trong hoạt động của Quốc hội.Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các lãnh đạo không vào Trung ương khóa này thì phải kiện toàn, có người thay. Riêng hai vị trí là Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt, 2 nhân sự được chuẩn bị để dự kiến thay thế chưa là đại biểu Quốc hội.
Do đó, phải đợi đến Quốc hội nhiệm kỳ mới, khi các nhân sự này trúng cử làm đại biểu Quốc hội khóa XV thì mới thực hiện việc bầu được.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ dành thời gian đủ để kiện toàn một số chức danh bộ máy nhà nước trong kỳ họp này. Nội dung cụ thể về nhân sự, chiều 24/3 Đảng đoàn Quốc hội họp, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, công việc rất cần thiết, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào công việc còn lại của mình chuẩn bị cho chu đáo, gọn ghẽ để khi bàn giao bảo đảm sự tiếp nối như dòng chảy liên tục.
Đồng thời cho biết, theo Luật Tổ chức Quốc hội, những chức danh Quốc hội bầu, đã thông qua nghị quyết là có hiệu lực ngay và người đó tiếp nhận công việc ngay. "Chủ tịch mới bầu rồi, tuyên thệ rồi là lên vị trí điều hành. Những người mới thay người cũ vẫn là ĐBQH cho đến khi bầu ĐBQH mới", bà Ngân nói.
Có thể bạn quan tâm
18:15, 01/02/2021
11:27, 01/02/2021
10:38, 01/02/2021
14:30, 30/01/2021
13:00, 30/01/2021
09:35, 30/01/2021
06:14, 30/01/2021
18:03, 29/01/2021
14:03, 29/01/2021
13:00, 29/01/2021
05:00, 29/01/2021
01:00, 29/01/2021
13:35, 28/01/2021
13:09, 28/01/2021
11:54, 28/01/2021