QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Đưa Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật năm 2022

ĐỖ HUYỀN 07/10/2021 16:50

Đây là nhấn mạnh của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tại buổi gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều nay (7/10) tại Trụ sở VCCI, Hà Nội.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) tại buổi gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) phát biểu tại buổi gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Châu cho biết, Hiệp hội rất tán thành đề nghị của Chính phủ đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội:

Luật Đất đai 2013 đã giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhưng sau 07 năm thực hiện cũng đã bộc lộ các hạn chế, “bất cập” cần được xem xét sửa đổi, do có những vấn đề “mới” phát sinh từ thực tiễn của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước, đồng thời do yêu cầu phải đáp ứng các “chuẩn mực” quốc tế trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”, ông Chấu nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, ông Châu cho biết, Hiệp hội được biết Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và trong thời gian tới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét ban hành Nghị quyết chỉ đạo công tác xây dựng Đề án Luật Đất đai. 

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chấp thuận đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 224/TTr-CP ngày 08/07/2021“Đề nghị đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022” để Quốc hội xem xét và có thể hoàn thành công tác xây dựng Luật Đất đai (mới) trong năm 2023, nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: “Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.  

Cùng với đó, ông Châu cho biết, HoREA rất tán thành đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 376/Ttr-CP ngày 05/10/2021 về “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự”: 

Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật trên đây, có đề xuất sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 với nội dung đề xuất sửa đổi, như sau: “1. Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp hoặc các loại đất khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”, mà nếu được Quốc hội xem xét thông qua thì sẽ vừa tháo gỡ được “ách tắc” cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước, vừa tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch và công bằng, vừa tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19”, ông Châu nhấn mạnh.

Vì thế, ở góc độ Hiệp hội, ông Châu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép “tích hợp” cả nội dung Khoản 4 vào Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Trên cơ sở đó, đề nghị bãi bỏ Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở tại điểm e Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020.

Tiếp theo, đại diện HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm “bịt kín các lỗ hổng”, để có thể sớm tái khởi động lại phương thức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

“Tôi cho rằng điểm d Khoản 5 Điều 101 Luật PPP quy định “dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT” kể từ ngày 01/01/2021 là hết sức cần thiết, để chặn đứng ngay việc làm thất thu ngân sách nhà nước, làm thất thoát tài sản công, nhất là nguồn lực đất đai tại các dự án BT kết cấu hạ tầng, giao thông theo “kiểu đổi đất lấy hạ tầng”.

Bởi lẽ, trong thời gian qua, do các quy định pháp luật về dự án BT chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, có “lỗ hổng” dẫn đến làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công, gây bức xúc trong xã hội. Có trường hợp nhà đầu tư dự án BT đã “ăn” cả “hai đầu” (“ăn” cả đầu “B - xây dựng”, lẫn đầu “T - chuyển giao” công trình), do được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc để thực hiện “dự án khác” và đạt được lợi nhuận “khủng””, ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Châu, tại Khoản 6 Điều 99 Luật PPP 2020 sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 36, Khoản 1 Điều 53; bãi bỏ điểm b Khoản 3 Điều 40, điểm b Khoản 1 Điều 114 Luật Nhà ở 2014, đã bãi bỏ các dự án BT để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư; nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đã làm giảm đi nguồn lực từ xã hội để thực hiện các dự án này.  

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa đầu tư là rất đúng đắn, trong đó có phương thức “đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT)” là rất cần thiết, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài để phát triển kết cấu hạ tầng trong lúc ngân sách nhà nước có hạn. Đồng thời, điểm d Khoản 5 Điều 101 Luật PPP quy định “dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT” kể từ ngày 01/01/2021, có thể hiểu là việc dừng dự án BT có tính tạm thời, trong một thời gian nhất định.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về phương thức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nhằm “bịt kín các lỗ hổng” để có thể sớm tái khởi động lại phương thức xã hội hóa đầu tư này trong thời gian tới đây”, ông Châu nói. 

Có thể bạn quan tâm

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Chính sách hỗ trợ cần công bằng

    16:14, 07/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Tiếp tục các quyết sách trợ giúp doanh nghiệp

    15:40, 07/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Sáu kiến nghị hỗ trợ ngành ngân hàng

    15:30, 07/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Doanh nghiệp đề xuất để công nhân tiêm ít nhất 1 mũi vaccine

    15:10, 07/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN: Ngân hàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

    15:00, 07/10/2021

  • QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Xây dựng văn bản pháp luật cần lấy ý kiến doanh nghiệp

    14:50, 07/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Đưa Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO