Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vị trí vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là nói chung chung, mà đã được “hiến định” trong Hiến pháp và Văn kiện Đại hội Đảng.
Trước thềm lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều nay (7/10) tại Trụ sở VCCI, Hà Nội.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và xem xét các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Sau phát biểu của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và 12 đại biểu là doanh nhân ở các điểm cầu trên toàn quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rất cao các ý kiến tâm huyết, thiết thực và mang tính xây dựng của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, xã hội nước ta, sức khỏe doanh nghiệp của người dân đã bị bào mòn và có những mất mát về tính mạng, tài sản. Do vậy, Chính phủ, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn chia sẻ với khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
Với tinh thần tại Hội nghị Trung ương IV, từ phát biểu khai mạc đến bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho đến phát biểu của các Ủy viên Trung ương tại các phiên thảo luận tổ, một mặt là ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự đoàn kết và cố gắng nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu, lực lượng y tế, bộ đội, công an, cán bộ cơ sở, đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân,... Với khó khăn như vậy, nhưng Việt Nam đã chống chịu rất kiên cường.
Nhưng mặt khác, cũng phải chia sẻ các khó khăn, mất mát, thiệt hại to lớn mà người dân và các doanh nghiệp đã phải gánh chịu trong thời gian vừa qua. "Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hơn lúc nào hết. Chúng ta cần “thắng không kiêu, bại không nản” và “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” dù khó khăn đến đâu, thì cũng là những khó khăn trước mắt và tạm thời". - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng ta cũng phải rà soát, nhìn nhận lại năng lực quản trị của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải mạnh hơn lên và nhận ra điểm yếu, điểm mạnh để có tính trong thời gian tới, mà điều này, mỗi doanh nghiệp sẽ tự biết mình hơn ai hết. Qua đây chúng ta thấy rằng, doanh nghiệp lớn, thì chí phải lớn, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chí càng phải lớn mới có thể sánh vai với các doanh nghiệp lớn hơn.
"Khi đánh giá về các hoạt động của VCCI cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có thể khẳng định, nhận thức của toàn xã hội với vị trí của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân đã có sự thay đổi hoàn toàn.
Các cấp Ủy Đảng chính quyền, đảng viên nhân dân ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vị trí vai trò của doanh nhân. Vị trí vai trò này không chỉ nói chung chung, mà đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, ngay cả trong Văn kiện Đại hội Đảng cũng đã xác định vị trí của doanh nghiệp doanh nhân. Đây là đội ngũ có vai trò rất quan trọng, là lực lượng chủ lực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống". - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ phát triển các mối quan hệ trong doanh nghiệp với các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước.
Về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, trong những năm vừa qua đã có sự cải thiện rõ rệt, các bảng xếp hạng về vị trí Việt Nam dần dần đã tăng lên và đều nằm ở biểu trên. Hệ thống pháp luật đã được cải thiện nhiều, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, thể hiện thực chất hơn về quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, thay đổi tư duy về con dấu, minh bạch,...
"Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, riêng pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các khóa đã thông qua 72 luật và pháp lệnh, cũng như các nghị quyết có nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân. Trong đó, có bộ luật hết sức quan trọng như Luật doanh nghiệp năm 2014 sửa đổi năm 2020, Luật đầu tư năm 2014 sửa đổi năm 2020, Luật phá sản năm 2020, Luật cạnh tranh 2018, Luật chứng khoán 2019 và luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020,...
Vì vậy hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, giúp phát triển đồng bộ vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, tài chính, khoa học và công nghệ, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và doanh nhân". - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin.
Ông cũng cho biết, Chính phủ đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chính phủ đã thành lập cả một Ủy ban về tạo thuận lợi thương mại và logistics, trong đó có cả cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và cải cách rất mạnh mẽ về kiểm tra chuyên ngành.
Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp phát triển rất nhanh cả về số lượng, tăng về quy mô sản phẩm. Việt Nam ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín ở phạm vi quốc tế, nhiều doanh nhân đã vào xếp hạng của thế giới, trở thành các tỷ phú đô la.
Một điều đáng mừng nữa trong công tác phát triển Đảng, đó là xây dựng hệ thống chính trị trong các doanh nghiệp rất được coi trọng, riêng Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, có một số doanh nghiệp tư nhân đã có Đảng bộ tới 200 đảng viên như Sunhouse hay Tập đoàn Thành Thành Công.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đóng góp của VCCI rất lớn, chỉ riêng việc đào tạo bồi dưỡng và tôn vinh doanh nhân, VCCI đã rất quan tâm chú trọng đến vấn đề này. Sau khi thẩm định lần thứ nhất, thì Luật thi đua khen thưởng đang được sửa đổi, hoàn thiện để trình Quốc hội kỳ này và sẽ có một cái bao quát hơn, nhấn mạnh hơn đến khu vực ngoài nhà nước, có những danh hiệu giải thưởng sẽ được luật hóa, để tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, VCCI đã đi đầu trong việc phát động Chương trình Quốc gia khởi nghiệp. Trước kia khởi nghiệp với quan điểm đơn thuần là hướng nghiệp, nhưng đến nay vì VCCI đã đi đầu trong lĩnh vực này, các tập đoàn lớn cũng cần khởi nghiệp với các sản phẩm mới. Đồng thời, tôn vinh rất nhiều danh hiệu như Cúp Thánh Gióng, Cúp Bông hồng vàng, Người sử dụng lao động tiêu biểu và Xếp hạng doanh nghiệp bền vững,...
VCCI đã chủ động xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Việt Nam, nhất là phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đóng góp to lớn, tích cực phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, chuẩn bị hoàn tất các đề xuất trình Chính phủ chương trình nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm của hàng hóa giai đoạn 2020-2030.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về kiến nghị của các doanh nghiệp, đã có ghi chép đầy đủ và có đề nghị như sau:
Thứ nhất, kể cả những ý kiến đã phát biểu hay chưa, chúng tôi đề nghị VCCI sẽ tổng hợp một cách đầy đủ, gửi đến các cơ quan chức năng và gửi đến ủy ban thường vụ Quốc hội để “gạn đục khơi trong”, nghiên cứu chắt lọc một số vấn đề lớn trong báo cáo thẩm tra, cũng như Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2022.
Thứ hai, chúng tôi cũng đặt hàng VCCI làm đầu mối để hiến kế về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế nói chung, về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Trung ương cũng đã có thảo luận và kết luận là sẽ xem xét, để điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ giữa hai loại chính sách này, nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích phục hồi nền kinh tế.
Vì vậy, phải tính toán cả về tài khóa và tiền tệ, nhưng phải thống nhất để có đóng góp nhiều hơn cho tái thiết nền kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bên cạnh những gói theo lộ trình vẫn tiếp tục đưa ra.
"Tới đây, chúng ta phải tính toán tới việc thích ứng an toàn với đại dịch, mà đây là chủ trương của Đảng về thực hiện mục tiêu kép. Năm 2020, Việt Nam đã làm được việc này, nhưng từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, tình hình phức tạp hơn, vẫn thực hiện mục tiêu kép, nhưng ưu tiên chống dịch hơn. Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta cũng nhận thức rất rõ, bảo vệ đội ngũ người lao động là bảo vệ sản xuất, nhưng vừa qua, vaccine của Việt Nam có ít, nên tập trung cho những vùng trọng điểm khó khăn và lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên, đến quý 3 năm nay và quý 1 năm sau, khi vaccine về nhiều hơn, ngoài vấn đề cho các địa phương theo số dân, thì còn ưu tiên trọng điểm cho các lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất". - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo đó, đối với các doanh nghiệp, nếu không áp dụng giải pháp 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến, thì doanh nghiệp sẽ áp dụng cách gì và cần các doanh nghiệp hiến kế ở vấn đề này.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, VCCI cũng đã có kiến nghị rất đáng chú ý, đó là tăng cường tính tự chủ cho doanh nghiệp, không xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng ngành hàng, doanh nghiệp nhưng phải đặt ra một số nguyên tắc. Doanh nghiệp nào thấy đảm bảo được thì được quyền quyết định làm, còn chính quyền sẽ hậu kiểm và điều chỉnh, uốn nắn vấn đề này, trong trường hợp có F0 trở lại, kịch bản xử lý như thế nào sẽ phải tính toán.
"Tới đây, xu hướng kinh doanh thời kỳ hậu COVID sẽ như thế nào?" - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và cho biết, trong kiến nghị của VCCI cũng đã đề cập tới vấn đề này như công nghiệp, trang thiết bị,... Đó là một trong những cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa ngành y tế, bao gồm cả về y tế dự phòng, y tế cơ sở, công nghiệp dược và công nghiệp sản xuất thiết bị y tế, thậm chí vaccine không chỉ cho người mà cho cả gia súc, gia cầm.
Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, hậu đại dịch này, vấn đề rắc rối về pháp lý cũng rất phức tạp, như hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau, do tác động của Covid. Đến lúc đó, phải đối mặt và có cách thức vượt qua rủi ro, giải quyết các vướng mắc, pháp lý như thế nào, nhà nước hỗ trợ gì, hiệp hội hỗ trợ gì,...
Sắp tới đây sẽ ban hành kết luận về định hướng pháp luật cho Quốc hội của 5 năm trong nhiệm kỳ khóa 15. Trước đây, luật ban hành văn bản, quy phạm pháp luật của chúng ta chỉ có Quốc hội lập nhiệm vụ này hằng năm, chứ không có khung khổ cho 5 năm. Khi tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai kết luận này sẽ mời các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội tới tham dự và đóng góp ý kiến.
"Trong 5 năm này, có 135 luật hay gọi là nhiệm vụ pháp luật phải được đưa ra rà soát. Trong đó, Quốc hội cần phải tăng tính chủ động, dẫn dắt hơn trong việc xây dựng pháp luật. Thông thường một nhiệm kỳ, Quốc hội chỉ làm được khoảng 70 - 80 luật, nhưng 135 nhiệm vụ pháp luật đó, sẽ phải nghiên cứu, sắp xếp thứ tự ưu tiên, làm tối đa càng nhiều càng tốt. Quan trọng là công tác chuẩn bị xây dựng pháp luật, đồng thời tăng cường công tác kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm giải trình của tập thể và cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu". - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Có thể bạn quan tâm
14:30, 07/10/2021
18:07, 07/10/2021
17:00, 07/10/2021
16:50, 07/10/2021
16:29, 07/10/2021
16:20, 07/10/2021
16:10, 07/10/2021
16:00, 07/10/2021
15:40, 07/10/2021
15:30, 07/10/2021
15:20, 07/10/2021
15:10, 07/10/2021
14:50, 07/10/2021
14:20, 07/10/2021
14:00, 07/10/2021
13:55, 07/10/2021
11:30, 07/10/2021
11:10, 07/10/2021