Chính trị

Quốc khánh 2/9 nhớ về Bác và những bậc tiền bối

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 02/09/2024 03:15

Dịp lễ Quốc khánh 2/9, luôn khắc sâu trong tim mỗi người dân Việt Nam lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã dâng hiến cả cuộc đời để dựng xây Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai tượng đài bất tử trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại di sản vô giá và tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong lòng người dân Việt Nam, mà còn vang xa trên thế giới.

quốc khánh 1
Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha già kính yêu của dân tộc, đã dẫn dắt Việt Nam từ nước thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, tự do.

Với tầm nhìn vượt thời đại và trái tim yêu nước nồng nàn, Bác Hồ không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, gieo vào lòng mỗi người con đất Việt niềm tin mãnh liệt vào tương lai.

Bác là biểu tượng của sự khiêm nhường, giản dị nhưng đầy trí tuệ, người đã dạy cho cả thế giới về sức mạnh của ý chí và tinh thần dân tộc.

Di sản của Bác Hồ không chỉ nằm ở những trang sử vàng chói lọi mà còn trong tư tưởng, đạo đức, và phong cách sống, truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của nhân dân, người đã dẫn dắt quân đội nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, là hiện thân của lòng dũng cảm và trí tuệ quân sự kiệt xuất.

Ông là người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, làm rạng danh đất nước trên bản đồ thế giới và chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp.

Tầm ảnh hưởng của Đại tướng không chỉ dừng lại ở những chiến công lẫy lừng mà còn ở tư duy chiến lược, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân.

Ông là biểu tượng của một vị tướng không chỉ có tài thao lược mà còn biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, luôn mang trong mình tinh thần nhân văn sâu sắc.

Di sản của hai người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã và đang tiếp tục sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, là nguồn động lực lớn lao để chúng ta vượt qua mọi thử thách, xây dựng một đất nước giàu mạnh và hạnh phúc.

Họ là những người đã biến ước mơ về độc lập, tự do thành hiện thực, và tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ sau tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang cho Tổ quốc.

Bước tiếp trên con đường vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở lối, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục đưa đất nước tiến xa hơn trên con đường phát triển và hội nhập.

quốc khánh 2
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên năm 1950. Ảnh Tư liệu

Đồng thời, lãnh đạo công cuộc chỉnh đốn Đảng, nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong nội bộ.

Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững, coi đó là nền tảng tinh thần để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như Tổng Bí thư đã phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Trong những năm gần đây, Việt Nam được xem là câu chuyện thành công của thế giới khi tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong top đầu suốt thập kỷ vừa qua. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đến nay, kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước, chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam hiện nay có khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân.Một minh chứng quan trọng đó là những con số tăng trưởng kinh tế đáng ấn tượng. Giai đoạn 2011 – 2024, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, tăng trưởng ổn định từ 5% đến hơn 7%/năm.

Trong hai năm thế giới xảy ra đại dịch COVID-19, nền kinh tế nhiều nước âm, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91% (năm 2020) và 2,58% năm 2021, giai đoạn phục hồi 2022 tăng trưởng cao với GDP tăng 8,02% và GDP tăng 5,05% năm 2023.

Hiện, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, vùng lãnh thổ, quan hệ kinh tế với hơn 221 đối tác. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, phát huy.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, và đặc biệt là của các vị lãnh đạo đất nước đương nhiệm, đất nước ta sẽ lớn mạnh vượt bậc ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đồng thời, cơ đồ đất nước sẽ ngày càng vững chắc hơn, tươi sáng hơn với mục tiêu cao đẹp: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quốc khánh 2/9 nhớ về Bác và những bậc tiền bối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO