Việc ông Bùi Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đang bị lạm chi đã đặt ra câu hỏi về vai trò và sự cần thiết của quỹ này.
Ra đời trong sự tranh cãi dữ dội, và sau 10 năm tồn tại thì vai trò của BOG vẫn còn là câu hỏi ngỏ, kể cả với những người vận hành quỹ. Như tên gọi, quỹ BOG được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Tranh cãi ngay từ khi ra đời
Có ý kiến “cáo buộc” dù quỹ là đóng góp của người tiêu dùng, nhưng Bộ Tài chính lại không công khai định kỳ và cũng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nào với doanh nghiệp trong vấn đề này. Theo Thông tư 234, cơ chế giám sát duy nhất đối với quỹ là chế độ báo cáo hằng quý của doanh nghiệp. Do việc quản lý không thể minh bạch hoàn toàn, mà quỹ BOG có thể dễ bị một nhóm lợi ích trục lợi…
Cũng lại có ý kiến cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất chỉ là lấy tiền của người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Theo cách tính tại Thông tư 234, thí dụ tại ngày hôm nay, giá xăng chưa gồm tiền trích vào quỹ bình ổn, là 20.000 đồng/lít. Sau khi trích quỹ bình ổn, thí dụ, 5% giá xăng, giá bán lẻ xăng sẽ thành 21.000 đồng/lít. Như vậy, việc trích lập quỹ bình ổn thực ra là lấy thêm của người mua xăng dầu tới 1.000 đồng/lít, chứ không phải chỉ 300 đồng như quy định.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thời điểm hiện nay khi thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước, nên việc bỏ quỹ ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp với Việt Nam. Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân về dài hạn theo ông Hải cũng nên bỏ quỹ BOG và để việc điều hành giá xăng dầu cứ theo nguyên tắc “cong ăn cong thẳng ăn thẳng”, giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng, giảm thì giảm theo.
Quan điểm cá nhân này của ông Hải không phải là cá biệt khi mà trong nhiều năm nay vẫn có những ý kiến phản hồi về việc có cần thiết phải duy trì quỹ BOG hay không và sử dụng như thế nào cho hợp lý. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú từng nhấn mạnh, cần có cơ chế minh bạch, công khai việc sử dụng quỹ BOG định kỳ hằng tháng. Mặt khác, quỹ này không nên để tại doanh nghiệp mà nên giao về Kho bạc Nhà nước, chỉ chi theo yêu cầu của Chính phủ hoặc bộ được ủy quyền.
Có thể bạn quan tâm
17:54, 26/04/2019
14:38, 03/04/2019
15:12, 02/03/2019
10:36, 05/09/2018
15:00, 07/06/2018
10:10, 29/05/2018
06:50, 06/02/2018
21:27, 24/05/2017
“Vốn chết” nên chi tiêu bất minh?
Nêu lên thực tế quỹ BOG thực chất là “vốn chết” lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang nằm tại doanh nghiệp, TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Tài chính cho rằng, doanh nghiệp cũng không muốn quản quỹ này, do không thể sử dụng như vốn kinh doanh. Người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi vì về thực tế tổng chi phí cho nhu cầu xăng dầu của người dân vẫn không thay đổi.
Về lý thuyết, việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu là để “bù giá” cho người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng cao. Về bản chất, “bù giá” chỉ là việc người tiêu dùng chi trả khoản tăng giá bán lẻ xăng dầu trước đó, khi giá thị trường tăng thật, thì chi quỹ BOG để mức tăng thấp. Người dân vẫn chi dùng xăng dầu với mức giá cao, nhưng dòng tiền đã đi vòng qua doanh nghiệp từ trước.
Ngay cả khi việc “bù giá” chỉ mang tính hình thức, thì người tiêu dùng đã chịu thiệt vì phải ứng trước một khoản lớn cho quỹ. Hàng nghìn tỷ đồng nói trên đáng lý sẽ được người lao động xoay vòng để tái đầu tư trong đời sống, thì lại bị tồn tại doanh nghiệp, trong khi trên thực tế, khi được quản lý một khoản tích lũy lớn lên tới 1.000 tỷ đồng thì bằng cách này cách khác, doanh nghiệp cũng sẽ đưa vào đầu tư, gửi tiết kiệm, quay vòng vốn… mà không bị ai kiểm soát. Số dư quỹ chỉ có mặt trên sổ sách kế toán hoặc tài khoản ở ngân hàng mà thôi.
Tình trạng bất minh trong trích lập, sử dụng quỹ BOG xăng dầu không phải là chưa từng xảy ra. Đầu năm 2011, Bộ Tài chính đã phát hiện Petrolimex và Công ty Xăng dầu Quân đội chưa trích, sử dụng quỹ đúng quy định, trong đó, riêng Petrolimex, số chi sai lên tới 1.200 tỷ đồng.
Báo cáo của doanh nghiệp và tính toán của Bộ Tài chính về Quỹ bình ổn chênh lệch nhiều tỷ đồng. Ví dụ, năm 2009, Bộ Tài chính tính toán quỹ phải trích lập 1.028 tỷ thì các doanh nghiệp chỉ trích 863 tỷ đồng. Cuối năm 2010, doanh nghiệp báo cáo số dư quỹ chỉ còn có 551 tỷ đồng, đã chi tới 4.905 tỷ đồng nhưng thực tế, quỹ còn dư 1.971 tỷ đồng và trong năm 2010 chỉ chi ra hơn 3.505 tỷ đồng…