Thiếu quỹ đất đủ lớn cho doanh nghiệp nông nghiệp

Nguyễn Việt 28/02/2019 16:00

Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã chia sẻ như vậy tại buổi tọa đàm “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm”.

Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục phát triển trong những năm qua, nhưng đã đến lúc cần phải thay đổi cơ bản theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng cơ giới và công nghệ cao.“Đồng thời phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường thế giới”, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã chia sẻ.

Theo ông Sơn, muốn thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước vào lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cần có cơ chế tạo ra quỹ đất đủ lớn, thời gian sử dụng đất đủ dài, ưu đãi về lãi suất vay vốn đầu tư cho nông nghiệp, từ đó doanh nghiệp mới có thể yên tâm đầu tư. “Cần tạo ra những cơ chế ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”, ông Sơn đề xuất.

Về cơ sở hạ tầng, ông Sơn kiến nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển vật tư nông nghiệp và sản phẩm một cách thuận lợi, nhanh chóng giúp hạ giá thành sản phẩm.

Đối với chính sách thuế như máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Sơn nhận thấy hiện nay nhiều loại máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vẫn đang gánh các loại thuế và mức thuế còn khá cao. Do đó, nhà nước cần xem xét để hướng đến miễn, giảm thuế trên máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp để người dân và doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Cao su có đưa Hoàng Anh Gia Lai trở lại thời hoàng kim?

    Cao su có đưa Hoàng Anh Gia Lai trở lại thời hoàng kim?

    10:57, 22/02/2019

  • Bò và cao su hết thời, Hoàng Anh Gia Lai trông chờ vào trái cây và ớt?

    Bò và cao su hết thời, Hoàng Anh Gia Lai trông chờ vào trái cây và ớt?

    07:51, 31/07/2018

Đánh giá về hành lang pháp lý, ông Sơn cho rằng, trong những năm gần đây môi trường kinh doanh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang có những biến động phức tạp khó lường, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro trong kinh doanh. Trong bối cảnh hệ thống pháp lý còn nhiều điểm chưa cụ thể và rõ ràng, việc sửa đổi luật liên tục không những đưa đến rủi ro kinh doanh mà còn dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

“Do đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng như các doanh nghiệp Việt Nam luôn mong muốn hệ thống pháp lý của Việt Nam sớm hoàn thiện để tạo hành lang rõ ràng và an toàn cho các doanh nghiệp, có như vậy các doanh nghiệp mới thật sự yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh”, ông Sơn nói.

Trước đó, hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích đầu tư nông nghiệp, từ năm 2006, Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư lớn vào tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk của Việt Nam, tỉnh Attapeu và Xê Kông của Lào, tỉnh Ratanakiri, Kratie của Campuchia. Bằng quyết tâm và ý chí, sau 12 năm với nỗ lực không ngừng nghỉ đã hình thành được các nông trường rộng lớn với quy mô 84.891 ha, bao gồm cây ăn trái, cao su và cọ dầu với vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.

Chia sẻ về phương châm đầu tư phát triển nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai, ông Sơn cho biết, Hoàng Anh Gia Lai muốn được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng cơ giới, tự động hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, đóng gói, chế biến. “Hoàng Anh Gia Lai áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất Global GAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu vào cả những thị trường khó tính trên thế giới”, ông Sơn bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thiếu quỹ đất đủ lớn cho doanh nghiệp nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO