Trao đổi với DĐDN, Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, Luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thành lập đội tự vệ, gắn với huấn luyện.
Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Quy định cụ thể trách nhiệm doanh nghiệp vào Luật
Trao đổi với DĐDN bên lề Quốc hội, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường an ninh quốc phòng, cần gắn hoạt động của doanh nghiệp với tăng cường an ninh quốc phòng để hài hoà lợi ích, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong thúc đẩy xây dựng lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp.
“Để đảm bảo điều này, trong Luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thành lập đội tự vệ. Không thành lập kiểu đánh trống ghi danh, báo cáo thành tích mà cần thực chất, phải đào tạo huấn luyện lực lượng này, đảm bảo đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ”, Đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.
Theo đó, Điều 17 Dự Luật quy định liên quan đến tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chỉ rõ việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định Điều 19 Luật Dân quân tự vệ hiện hành và các nghị định của Chính phủ, quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17) đã được chỉnh lý theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn. Tuy nhiên, nhiều nội dung cần giải thích rõ.
"Về nguyên tắc, mục đích đảm bảo quốc phòng, an ninh luôn phải được ưu tiên. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân, khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư chi phí cho việc tổ chức hoạt động của lực lượng tự vệ phải được tính toán kỹ, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước, không thể ép buộc được", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình.
“Đề nghị để quy định độ tuổi như luật hiện hành, nhằm đảm bảo cho dân quân tự vệ có đủ sức khoẻ. Việc kéo dài thời hạn dân quân tự vệ đảm bảo nguồn dân quân tự vệ để cơ quan tổ chức chủ động bổ sung", Đại biểu Nguyễn Tạo cho ý kiến.
Về vấn đề này, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thống nhất quy định độ tuổi tham gia Dân quân tự vệ cơ bản kế thừa Luật Dân quân tự vệ hiện hành, đã thực hiện ổn định, để bảo đảm cho Dân quân tự vệ có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Trên thực tế, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia Dân quân tự vệ. Việc cơ quan, tổ chức tuyển dụng công dân cũng là nguồn tuyển chọn vào tự vệ.
Mặt khác, dự thảo Luật quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhằm khắc phục tình trạng ở một số địa phương, cơ quan tổ chức thiếu người để tổ chức đơn vị Dân quân tự vệ. Đồng thời tạo điều kiện, thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong Dân quân tự vệ biển và giữ các chức vụ chỉ huy đơn vị.
“Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào Dân quân tự vệ không lớn, chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi. Nếu tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ lên 5 năm và kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ này đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quốc phòng, quân sự của Dân quân tự vệ, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết.
Cùng với đó, về nhiệm vụ của Dân quân tự vệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, thể chế các nghị quyết, kết luận của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam, cụ thể hóa các quy định của Luật Quốc phòng liên quan đến Dân quân tự vệ và thống nhất với vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở địa phương, cơ sở.
“Dự thảo Luật quy định Dân quân tự vệ có nhiệm vụ tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng tại khoản 4 là phù hợp với trình độ sản xuất phát triển, việc ứng dụng, mở rộng công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng cho biết.
Theo đó, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, được đào tạo và tiếp cận với khoa học công nghệ, nên có trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 13 Luật Quốc phòng đã quy định nội hàm của phòng thủ dân sự, trong đó Dân quân tự vệ là một trong các lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay, ngoài việc phòng, chống khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, Dân quân tự vệ đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy.
Do đó, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ này là phù hợp với Dân quân tự vệ nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự, nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn..., tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống.
Đồng thời không ảnh hưởng đến việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, vì nhu cầu tổ chức Dân quân tự vệ chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương, vì đều phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước; chỉ đạo, hướng dẫn Dân quân tự vệ theo lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
Đồng thời, có trách nhiệm tổ chức xây dựng Dân quân tự vệ ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền và ở địa phương.