Quy định lập sổ theo dõi bán bình gas khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí

PV 06/10/2020 04:50

Nhiều doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đề nghị tạm dừng lập sổ theo dõi vỏ chai LPG vì quá tốn thời gian và công sức.

Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí có hiệu lực thi hành từ năm 2018 quy định: Doanh nghiệp phải lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi bình gas bán cho thương nhân kinh doanh gas khác, hoặc khách hàng sử dụng phải có đầy đủ thông tin về chủ sở hữu; loại bình gas, số sêri, hạn kiểm định trên bình gas; tên và địa chỉ thương nhân mua, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận gas…

Nghị định 87 “mở đầu vào, siết đầu ra” khi đưa ra rất nhiều điều kiện ràng buộc, bắt buộc doanh nghiệp gas, đại lý gas.

Nghị định 87 “mở đầu vào, siết đầu ra” khi đưa ra rất nhiều điều kiện ràng buộc, bắt buộc doanh nghiệp gas, đại lý gas.

Ông Đoàn Trọng Thà (Trưởng Ban chống buôn lậu và gian lận thương mại, Hiệp hội Gas Việt Nam) cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin làm phát sinh chi phí đối với các đơn vị kinh doanh rất lớn, ước tính riêng khoản đầu tư ban đầu đã lên đến 400 tỉ đồng. Tuy nhiên từ sáu tháng đến một năm, các công ty gas lại phải tiếp tục đầu tư mới. Như vậy không mang lại hiệu quả cho nhà kinh doanh cũng như việc quản lý nhà nước.

“Thực tế việc truy xuất nguồn gốc bình gas thành phẩm lưu thông trên thị trường đã có các giải pháp đang áp dụng. Ví dụ, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét lên mã QR Code tích hợp trên tem chống giả hoặc nhắn tin về tổng đài sau khi cào lớp nhũ trên màng co bình gas thì người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ” - vị đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam khẳng định.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên, các doanh nghiệp kinh doanh khí phàn nàn về các quy định này. Ngay từ khi Dự thảo Nghị định 87 được công bố, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khí đã nhấn mạnh quy định này đã được nhiều doanh nghiệp gas phàn nàn là sẽ làm khó cho doanh nghiệp nhưng vẫn không được ban soạn thảo lắng nghe.

Bình luận về những quy định này ông Nguyễn Văn Lân - Phó giám đốc Công ty gas Nguyên Khê (Bình Chánh, TP HCM) thẳng thừng “cơ quan quản lý nhà nước đẩy trách nhiệm, đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp, đại lý gas”.

mỗi ngày thương nhân chiết nạp cả ngàn, vài ngàn chai, bắt họ phải ghi sổ theo dõi nạp bình gas bằng số sê ri là rất tốn công sức.

Mỗi ngày thương nhân chiết nạp cả ngàn, vài ngàn chai, bắt họ phải ghi sổ theo dõi nạp bình gas bằng số sê ri là rất tốn công sức.

Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Anpha Petrol cho rằng, mỗi ngày thương nhân chiết nạp cả ngàn, vài ngàn chai, bắt họ phải ghi sổ theo dõi nạp bình gas bằng số sê ri là rất tốn công sức. Do việc ghi sổ thủ công quá tốn công sức nên các doanh nghiệp phải đặt viết phần mềm chuyên dụng và trước khi sử dụng chính thức phải chạy thử nghiệm…, ước tính phải tăng gấp đôi lượng lao động ở bộ phận này khiến doanh nghiệp gặp khó.

“Miếng thịt heo khác bình gas vì thịt heo bán đến người dùng, chế biến và ăn là hết. Trong khi đó vòng đời bình gas đến 15 năm. Bình gas được ghi số sê ri theo dõi ở công ty này nhưng sau khi phân phối ra thị trường lại có thể lòng vòng sang đơn vị khác. Như vậy việc ghi sổ theo dõi là không có hiệu quả”- ông Lân dẫn chứng. Một số ý kiến lại đặt câu hỏi, thời hạn các thương nhân, cửa hàng gas lưu trữ Sổ theo dõi nạp/bán gas là bao lâu? Nếu chẳng may cửa hàng làm thất lạc, mất sổ theo dõi thì xử lý thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy định lập sổ theo dõi bán bình gas khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO