Theo Luật Nhà ở 2023, từ 1/8 người mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư sau 5 năm được bán và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 quy định, sau thời hạn 5 năm kể từ ngày đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, bên mua nhà ở xã hội được bán lại theo cơ chế thị trường cho đối tượng có nhu cầu nếu đã được cấp giấy chứng nhận.
Bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế, trừ trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì bên bán phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.
Như vậy, từ 1/8 việc chuyển nhượng nhà ở xã hội sau 5 năm chỉ phải thanh toán tiền công chứng, thu nhập cá nhân, trước bạ, phí thẩm định sổ như căn hộ thương mại bình thường.
Trước đây, 1 căn nhà ở xã hội khi chuyển nhượng phải đóng 50% tiền sử dụng đất. Chi phí này dao động từ 120 - 200 triệu đồng/căn. Với quy định mới, người dân không phải mất phí này.
Riêng đối với nhà ở xã hội liền kề, khi chuyển nhượng sau 05 năm, chỉ còn phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thay vì phải nộp 100% tiền sử dụng đất.
Có thể thấy, nhu cầu mua nhà ở xã hội cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm đã tác động đến giá nhà tại các dự án nhà ở xã hội đã đủ điều kiện chuyển nhượng tăng cao so với giá ban đầu.
Qua khảo sát của PV, hiện tại giá nhà ở xã hội đã sử dụng trên 5 năm và đủ điều kiện chuyển nhượng trên địa bàn Hà Nội đang tăng cao. Có thể kể đến như dự án Rice City Linh Đàm (Hoàng Mai), thời điểm mở bán có giá 15 triệu đồng/m2. Hiện tại, giá căn hộ của dự án này này đang được rao bán 47 - 56 triệu đồng/m2, gấp 3 -4 lần so với giá khởi điểm và bằng với giá phân khúc chung cư trung cấp.
Tương tự, dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) - một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên ở Hà Nội với giá ban đầu là trên 8 triệu đồng/m2 cách đây hơn 10 năm. Đến nay, dự án này đã tăng giá gấp 4 lần, dao động từ 35 - 37 triệu đồng/m2.
Hay như dự án Rice City Sông Hồng (Long Biên), giá thứ cấp đang được rao bán từ 35 - 38 triệu đồng/m2. Cách đây 6 năm, dự án được mở bán với giá chỉ hơn 13 triệu đồng/m2.
Sự tăng giá phi mã của loại hình nhà ở được cho là bình dân này được lý giải đến từ sự chênh lệch cung cầu trên thị trường. Trong đó, trái ngược với nhu cầu ngày càng lớn, thị trường lại gần như không còn xuất hiện giỏ hàng mới.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, chung cư mới dưới 50 triệu đồng/m2 đã trở nên khan hiếm. Nửa đầu năm nay, rổ hàng căn hộ tại các dự án mới đã tịnh tiến đến vùng giá 60 - 80 triệu đồng mỗi m2. Tính đến quý II, giá căn hộ sơ cấp trung bình tại thủ đô gần tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2 tại TP.HCM.
Điều này dẫn tới nhu cầu cấp bách phải gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội mà Chính phủ và các bên liên quan đang tích cực thúc đẩy qua các biện pháp trong thời gian qua.
Như tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đã đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và nới tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện các thủ tục nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn nhà ở lãi suất cho vay, nguồn hỗ trợ gói ưu đãi.
Thời hạn cho vay là 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi hơn, thấp hơn 3-5% so với ngân hàng thương mại thông thường, để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Thứ hai, chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu đối với các dự án nhà ở thương mại, khuyến khích nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
Thứ ba, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để rút ngắn thủ tục hành chính để lập và phê duyệt dự án giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục bố trí xây dựng. Qua đó, hỗ trợ khuyến khích cho các doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án tạo nguồn lực, nguồn cung của thị trường và tận dụng được nguồn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.