Quy định tại Nghị định 38/2021 đang dấy lên lo ngại sẽ khiến doanh nghiệp quảng cáo trong nước và các cơ quan báo chí mất lợi thế cạnh tranh so với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Đảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Quảng cáo và XTTM Đông Nam cho biết, Luật Quảng cáo sau 10 năm ban hành đã có phần “lỗi thời”. Tuy nhiên, Nghị định 38/2021 không khắc phục được vấn đề này.
- Những quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo sắp có hiệu lực tại Nghị định 38/2021 được đánh giá là sẽ làm mất lợi thế ngành quảng cáo nước nhà, thưa ông?
Đúng vậy, dù hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi độc giả, song quy định trên lại có phần thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo, cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo và cơ quan báo chí.
Cụ thể, khoản 2 Điều 38 có quy định phạt tiền 10-15 triệu đồng nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử "không ở vùng cố định quá 1,5 giây" và "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào trong phần nội dung tin bài".
Việc quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây là thiếu thực tế, chỉ như một cái chớp, bạn đọc không đủ để nhận diện thương hiệu chưa nói tới tiếp nhận thông điệp. Quy định này tạo một nút thắt bó hẹp dịch vụ quảng cáo trên báo chí Việt Nam, vốn đã chiếm thị phần không lớn.
Thực tế hiện nay, Vietnam Digital Marketing Trends 2021 đã dự báo, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam sẽ đạt mức 955 triệu USD năm 2021. Trong đó, hơn 80% doanh thu từ "miếng bánh" rơi vào tay các "gã khổng lồ" Google, Facebook...
Trên các mạng xã hội, các kênh quảng cáo xuyên biên giới cho phép chạy quảng cáo như YouTube, Facebook... ngày càng có xu hướng nới lỏng thời gian chờ này, tối thiểu hiện nay cũng là 5 giây, Facebook, game và các nền tảng OTT khác thậm chí còn không giới hạn.
Ngoài ra, hành vi "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài" bị xử phạt khá nặng sẽ tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp và các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.
- Những quy định này sẽ tác động thế nào tới các doanh nghiệp quảng cáo, các cơ quan báo chí trong nước, thưa ông?
Nghị định này được áp dụng từ 1/6 sẽ làm đảo lộn các chiến dịch, kế hoạch quảng cáo của nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ mất địa điểm để quảng cáo, nhà quảng cáo cũng không có nơi để đặt quảng cáo và cuối cùng nhà cung cấp dịch vụ bị mất nguồn thu.
Về phía các cơ quan báo chí hiện nay, đa số là tự chủ, phải có tiền từ quảng cáo mới có thể nuôi bộ máy, làm ra các tin bài tốt. Nếu thông tin không hay, số lượng người xem ít, quảng cáo không còn, báo chí sẽ khó tồn tại và ngược lại. Luật Quảng cáo đã theo tư duy báo giấy trước đây, tức là không xen quảng cáo trong nội dung bài viết. Tuy nhiên, trên nền tảng digital hiện nay thì bạn đọc chỉ cần lướt nhẹ qua là có thể bỏ qua quảng cáo.
- Vậy để tránh quy định gây khó cho doanh nghiệp và cơ quan báo chí, ông có đề xuất giải pháp gì tháo gỡ những bất cập này?
Trước mắt, doanh nghiệp đề xuất tạm hoãn hoặc lùi thời hạn áp dụng Nghị định 38. Xem xét kiến nghị bỏ quy định hạn chế thời gian chờ tắt, mở quảng cáo không ở vùng cố định hoặc nới lên trên 5 giây như các mạng xã hội hiện nay. Thậm chí, để các cơ quan báo chí tự quyết, bởi bản thân các cơ quan báo chí hiện cũng có cạnh tranh lớn nên họ sẽ có cân nhắc điều tiết phù hợp để giữ, thu hút bạn đọc.
Bên cạnh đó, cần làm rõ và quy định lại thiết kế hợp lý để phân biệt vùng quảng cáo và vùng nội dung tin bài, gỡ bỏ quy định cấm thiết kế phần quảng cáo lẫn cùng với nội dung tin bài. Do đó, kiến nghị trong kỳ họp quốc hội khoá XV tới, Quốc hội ưu tiên xem xét sửa đổi bổ sung quy định tại Luật Quảng cáo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam:
Xu hướng không thể đi ngược của ngành quảng cáo là doanh nghiệp tìm cách đặt quảng cáo nằm ngay tại những tin tức, nội dung có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của họ, thông qua nhà xuất bản nội dung. Báo chí là doanh nghiệp tự chủ về mặt tài chính, họ làm công việc sáng tạo nội dung và cần nguồn thu quảng cáo để duy trì và phát triển, Nhà nước không cần thiết can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật.
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG ASEAN và Việt Nam:
Quản lý việc thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định để nâng cao chất lượng là cần thiết nhưng không có nghĩa là hạn chế thời gian quảng cáo quá ngắn ở mức 1,5 giây. Chưa kể, trong 1,5 giây, người xem không thể kịp nhận diện đó là nội dung gì. Doanh nghiệp muốn quảng cáo cũng không kịp truyền tải thông điệp. Trong khi đó, việc chớp một khung nội dung lên màn hình chỉ trong 1,5 giây sẽ làm rối thêm trang báo, tin tức.