Việc Hà Nội công bố Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử được nhận định là bước tiễn mang tính dấu mốc nhưng cũng mở ra không ít thách thức để quy hoạch thực sự đi vào thực tiễn.
Ngày 22/3, thành phố Hà Nội đã chính thức tổ chức hội nghị công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C; H1-2; H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Phải sau tròn 10 năm Quy hoạch chung Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, thành phố Hà Nội mới xây dựng và phê duyệt được quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử. Nguyên nhân của việc chậm trễ thông qua quy hoạch của các phân khu đô thị này này được cho là liên quan đến nhiều quy định, trong đó có những quy định vượt thẩm quyền của thành phố.
Theo đó, việc chính thức thông qua quy hoạch các phân khu của khu vực nội đô được các các chuyên gia đánh giá là bước tiến mang tính đột phá trong việc giải quyết bài toán quá tải hạ tầng, nhiễu loạn trật tự xây dựng của khu vực trung tâm Hà Nội nhiều năm qua nhằm đem lại một bộ mặt mới, xứng tầm cho Thủ đô ngàn năm văn vật.
Tuy nhiên, để hiện thực hòa được kỳ vọng đó, theo nhận định của các chuyên gia việc công bố quy hoạch mới chỉ là bước đầu của hàng loạt thử thách mà Hà Nội phải vượt qua.
Những thử thách này xuất phát từ việc cả một thập kỷ qua khu vực này chưa có quy hoạch phân khu nên đã dẫn tới tình trạng như ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng từng nhận định khu vực nội đô lịch sử Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất, về mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Cũng theo ông Chiến, do chưa có quy hoạch nên đã gây khó khăn cho việc cải tạo khu phố cổ, phố cũ và kìm hãm sự phát triển của Thủ đô.
Chia sẻ quan điểm trên, TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc thiếu quy hoạch phân khu dẫn đến khó khăn trong cấp phép xây dựng và rất dễ dẫn đến tùy tiện, “xin-cho” làm mất đi sự đồng bộ, thống nhất của quy hoạch đô thị.
Cụ thể, theo ông Nghiêm, nguyên nhân của tình trạng trên đến từ việc quy định về cấp phép xây dựng của Hà Nội đã ban hành 6 năm nay, trong khi đó Luật Xây dựng đã thay đổi, căn cứ cấp phép đã thay đổi và Quy hoạch chi tiết các quận nội đô trước đây được phê duyệt từ năm 2000-2001. Sau khi Quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt cách đây 10 năm thì đến nay quy hoạch phân khu các quận nội đô lịch sử mới được phê duyệt.
Chính vì khoảng thời gian dài thiếu quy hoạch chi tiết cho các phân khu đô thị trung tâm nội đô lịch sử đã dẫn tới tình trạng một số dự án bất động sản, công trình kiến trúc hình thành có nguy cơ phá vỡ quy hoạch hoặc không phù hợp với khu vực như KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trức sư Việt Nam từng nhận định.
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa được tốt quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử thì Hà Nội sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề lớn đặt ra.
Thứ nhất, đó là việc di dời các nhà máy, công sở, trường học ra khỏi khu vực nội đô. Rõ ràng chủ trương này đã có từ lâu nhưng kết quả thực hiện đến nay vẫn chưa thật sự khả quan.
Theo đó, từ năm 2015, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, khi đó kế hoạch đặt ra là đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận. Tuy nhiên, đến nay, theo công bố của Sở TN&MT Hà Nội thì con số thực hiện mới chỉ đạt 67 cơ sở.
Bên cạnh đó, việc di dời các cơ sở Đại học, Cao đẳng sẽ tiếp tục là bài toán nan giải khi mà những “cú đấm thép” như xây dựng cơ sở Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vẫn chưa có khả quan. Việc di chuyển này được cho là sẽ đỏi hỏi nguồn ngân sách lớn khi mà để đáp ứng số lượng sinh viên khống chế theo quy hoạch mới là 30 vạn thì kế hoạch đặt ra là phải xây dựng mới 3.500 – 4.500 ha các khu, cụm Đại học, Cao đẳng mới.
Thứ hai, là thách thức về di dân khi để thực hiện theo quy hoạch mới, Hà Nội sẽ phải di dời hơn 250.000 dân ở 4 khu vực nội đô lịch sử. Đây là bài toán rất khó đối với Hà Nội nhất là xu hướng chuyển dịch về trung tâm vẫn còn và kéo theo đó còn là việc tái định cư, định giá những bất động sản “kim cương” tại các khu vực này làm sao cho hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước.
Thứ ba là thách thức về việc hạn chế tầng cao công trình bởi trong lúc chờ quy hoạch phân khu thì trong khu vực nội đô đã có không ít sự án khủng đã được phê duyệt và đang trong quá trình hoàn thành.
Việc quy định khu vực phố cổ, chiều cao công trình chỉ tương đương 3-4 tầng (từ 12-16m) và nhất là khu vực “đất kim cương” quanh Hồ Gươm không được xây dựng quá 4 tầng (16m). Vậy những dự án đã phê duyệt vượt chiều cao trên thì sẽ điều chỉnh ra sao, đối với những công trình đã hình thành, nếu vượt thì xử lý thế nào,… đây cũng sẽ là những vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm
Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?
14:12, 03/06/2019
Quy hoạch sông Hồng: Đợi 20 năm, vội gì 6 tháng?
11:16, 22/03/2017
Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ IV): Đừng để sửa sai
14:00, 18/03/2021
Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ III): Không để thêm một lần lỗi nhịp
06:00, 13/03/2021
Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ II): Mở ra “chân trời mới” cho Thủ đô
17:35, 12/03/2021